Thành tựu và gương mặt tiêu biểu
  • "Chàng trai Vàng" Tin học giải trí bằng đá bóng, chơi game
  • Huy chương Vàng Olympic đến từ tình yêu Vật lí
  • Học sinh lớp 10 đầu tiên giành giải Nhất quốc gia môn Vật lý
  • Giành huy chương vàng Olympic Vật lý quốc tế sau cú ngã ở giải châu Á
  • Chuyện cổ tích về cậu học trò tự kỷ giành huy chương Toán quốc tế
  • Á quân 'Chinh phục' lập kỷ lục điểm số ở Đường lên đỉnh Olympia
  • Bài luận về "sự tử tế" giúp cậu học trò Trường THPT Chuyên KHTN trúng tuyển vào ĐH Georgetown (Mỹ)
  • Thành công đến từ đam mê và tâm huyết, chuyện của Cô trò Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên
  • Nam sinh chuyên Tin nhận học bổng danh giá Mỹ gần 5 tỷ đồng
  • Một gia đình, 2 tấm huy chương Olympic Hóa học
  • Học sinh Trường THPT Chuyên KHTN giành huy chương Vàng Olympic Toán quốc tế

Với niềm say mê dành cho Tin học và lập trình, Trần Xuân Bách nhanh chóng bén duyên với các kỳ thi Tin học quốc tế và "rinh về" thành tích ấn tượng.

Chàng trai Vàng

Trần Xuân Bách chàng trai duy nhất của đội tuyển Tin học Việt Nam giành Huy chương Vàng Tin học quốc tế năm 2022. Ảnh NV.

Tại kỳ thi Olympic quốc tế năm 2022 và Olympic Tin học châu Á - Thái Bình Dương năm 2022, Trần Xuân Bách, học sinh Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên – Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội, đều xuất sắc giành Huy chương Vàng. Không chỉ vậy, em là chàng trai duy nhất của đội tuyển Tin học Việt Nam đạt được thành tích ấn tượng này.

Bước ngoặt lớn

Chia sẻ về niềm đam mê Tin học, Trần Xuân Bách kể, hè năm lớp 6, em được bố mẹ cho tham gia một trại hè về lập trình và biết cách vận dụng kiến thức từ khóa học để giải quyết những bài toán khó. Kể từ đó, em ngày càng yêu thích tìm hiểu và trau dồi kiến thức trong lĩnh vực này.

"Tin học hay lập trình gợi em nhớ đến trò chơi xếp hình lego. Một bộ lego có rất nhiều mảnh ghép mà chúng ta có thể dùng nhiều cách để tạo nên những hình khối khác nhau. Lập trình cũng vậy. Người học có thể sử dụng nhiều phương trình để xây dựng các chương trình khác nhau", Bách nói.

Từ ngày biết đến lập trình, em bị hấp dẫn bởi tính tự do, thoải mái sáng tạo và muôn vàn phương trình mới mẻ mà lĩnh vực này đem lại.

Tốt nghiệp THCS, Bách quyết định thi vào lớp chuyên Tin học của Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên - Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội.

“Em muốn vào lớp chuyên Tin để thỏa mãn niềm đam mê Tin học, chứ chưa từng nghĩ bản thân có thể tham gia các cuộc thi quốc tế hay giành huy chương tại đấu trường lớn như Olympic quốc tế”, Bách bộc bạch.

Với tâm thế này, khi lọt vào đội tuyển tham gia kỳ thi Olympic Tin học châu Á Thái Bình Dương cũng như Olympic quốc tế, nam sinh luôn giữ tâm lý thoải mái. Tại hai kỳ thi lớn vừa qua, em bước ra đấu trường lớn với mong muốn được học hỏi, cọ xát kinh nghiệm cùng bạn bè quốc tế mà không đặt nặng thành tích.

Chàng trai Vàng

Kỷ luật song hành cùng nghỉ ngơi

Đối với Bách, cách học hiệu quả nhất là tự học. Bên cạnh sự giảng dạy của thầy cô, mỗi ngày, Bách cùng các bạn trong đội tuyển tự tra cứu các tài liệu học thuật bằng tiếng Anh, mở rộng ra bài tập của các nước như Nga, Pháp...

Trong quá trình ôn luyện, khi gặp bài "khó nhằn" mà không tìm ra hướng giải, Bách sẽ tạm gác lại và chuyển sang làm các bài dễ hơn. Cách làm này giúp em lấy lại tinh thần, sự tự tin, khơi thông tâm lý. Khi đã giải xong bài dễ, Bách quay trở lại xử lý bài khó với tâm trạng thoải mái.

Nam sinh lấy ví dụ từ một lần ôn luyện vào cuối năm lớp 9. Khi đó, em tìm thấy một bài tập trên Internet nhưng nghiên cứu mãi không ra đáp án. Đề bài yêu cầu tìm 2 con đường tối ưu để đến 2 địa điểm với nhiều điểm ở giữa.

Lâm vào bế tắc, Bách quyết định thay đổi chiến lược. Mỗi tháng, em cố gắng nghĩ ra một hướng mới để giải bài tập cho đến khi tìm được đáp án phù hợp nhất. Với bài toán đó, Bách mất khoảng 11 tháng mới tìm ra lời giải với thuật toán Dijkstra.

Chàng trai Vàng

Trần Xuân Bách chụp ảnh cùng gia đình và thầy giáo ở lễ bế mạc kỳ thi Olympic Tin học quốc tế. Ảnh nhân vật cung cấp.

"Lúc đó, nếu đi hỏi bạn bè hoặc nhờ thầy cô hướng dẫn thì em sẽ tìm ra đáp án nhanh và dễ dàng hơn. Nhưng em muốn tự mình tìm ra lời giải để nâng cao khả năng tư duy mà không đặt áp lực quá lớn lên bản thân", Bách chia sẻ.

Theo Bách, việc tự tìm lời giải cho các bài toán cũng giúp em khám phá thêm nhiều hướng giải của nhiều dạng bài tập khác nhau, làm quen với nhiều bài tập khó trước các kỳ thi.

Song hành với việc học, nam sinh cũng cố gắng dành thời gian để bản thân nghỉ ngơi cũng như giải trí.

Bách chia sẻ: “Vào buổi trưa, các thành viên trong đội tuyển đều dành ra 15 phút ngồi thiền định. Mỗi tuần, bọn em cũng dành ra một buổi chiều đá bóng. Những hoạt động này giúp cho chúng em giảm áp lực học tập, thoải mái tinh thần và tạo đà tiếp tục cố gắng”.

Chàng trai Vàng

Dù việc ôn luyện cho kỳ thi Olympic chiếm phần nhiều thời gian, mỗi ngày, Bách vẫn dành cho bản thân từ 15 - 30 phút chơi game hoặc các hoạt động giải trí khác.

Đối với Bách, mọi người đều có nhiều cơ hội tiếp cận với kiến thức Tin học, đặc biệt khi Internet phủ sóng rộng rãi như hiện nay. Tuy nhiên, bí quyết để học tốt môn này còn nằm ở tinh thần tập trung, nghiêm túc của mỗi cá nhân bởi lẽ người học dễ bị phân tâm bởi các nhu cầu giải trí như mạng xã hội, game online.

Để tạo kỷ luật cho bản thân, Bách đã cài một số phần mềm chặn nội dung gây sao nhãng trên Internet, từ đó, rèn luyện cho bản thân tinh thần tập trung cao độ cùng thái độ nghiêm túc với việc học tập.

"Kỳ thi Olympic Tin học quốc tế không chỉ giúp em trau dồi kiến thức môn Tin học từ bạn bè quốc tế mà còn có cơ hội giao lưu, tìm hiểu về văn hóa, bản sắc dân tộc của các nước trên thế giới. Bên cạnh đó, em cũng tích luỹ kinh nghiệm về cách đối diện với áp lực, nhất là trong phòng thi", Trần Xuân Bách - chủ nhân Huy chương Vàng Tin học quốc tế năm 2022, chia sẻ.

Theo Giáo dục & Thời đại.

Chủ nhân Huy chương Vàng Olympic Vật lí quốc tế Võ Hoàng Hải cho biết không đặt nặng vấn đề giải thưởng, thành tích mà học vì vui thích, đam mê.

Huy chương Vàng Olympic đến từ tình yêu Vật lí

Võ Hoàng Hải, hiện là học sinh lớp 11A2 chuyên Vật lí, Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên - Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội.

Chinh phục đỉnh cao với tình yêu Vật lí thuần khiết

Kỳ thi Olympic Vật lí Quốc tế năm 2022, Việt Nam lần đầu tiên có học sinh lớp 10 tham gia và đoạt Huy chương Vàng. Làm nên dấu ấn này là Võ Hoàng Hải, hiện là học sinh lớp 11A2 chuyên Vật lí, Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên - Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội.

Võ Hoàng Hải cho biết mình đam mê với khoa học nói chung, Vật lí nói riêng từ nhỏ, qua việc đọc các sách bách khoa toàn thư hay sách khoa học vui. Tuy nhiên, phải đến lớp 7, khi được tiếp cận với các thí nghiệm Vật lí và tham gia các kỳ thi, em mới thực sự phát hiện đam mê cũng như năng khiếu của mình với môn học này. Kể từ đó, Hải thường nuôi dưỡng niềm hứng thú Vật lí qua đọc các sách Vật lí vui, Tạp chí Vật lí và tuổi trẻ, hay tự tìm hiểu thêm về kiến thức Vật lí nâng cao.

Huy chương Vàng Olympic đến từ tình yêu Vật lí

Để học hiệu quả hơn, kinh nghiệm chủ nhân Huy chương Vàng Olympic Vật lí chia sẻ là phương pháp Pomodoro.

“Em chia thời gian ôn tập và làm bài thành các khoảng thời gian 25 phút và giờ nghỉ 5 phút để giúp giảm căng thẳng cho bản thân. Ngoài ra, em cũng tự đặt thời gian biểu, bảng mục tiêu để việc học có quy củ hơn, tránh bỏ sót các phần việc hay phần kiến thức quan trọng. Quỹ thời gian ít ỏi còn lại, em dành để “tám chuyện” với bạn bè, đọc sách báo, xem tin và cả chơi games để giải trí, giảm stress…”- Võ Hoàng Hải chia sẻ.

Huy chương Vàng Olympic đến từ tình yêu Vật lí

Võ Hoàng Hải và mẹ tại Lễ tuyên dương, khen thưởng học sinh đoạt giải quốc tế năm 2022.

Đồng hành cùng Võ Hoàng Hải từ năm lớp 8, TS. Nguyễn Công Toản, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Khoa học tự nhiên, Trưởng Bộ môn Chuyên Vật lí, Phụ trách đội tuyển Vật lí nhìn thấy ở học trò tình yêu Vật lí một cách thuần khiết, luôn có khát vọng chinh phục và tinh thần tự học, phấn đấu vươn lên.

TS. Nguyễn Công Toản kể lại: Phụ huynh của Hải tìm đến tôi khi em đang là một học sinh lớp 8. Khi đó, mới chỉ đầu năm lớp 8, Hải đã học hết kiến thức Vật lí THCS và xử lý các bài toán thật sắc sảo. Được các thầy cô cho bài tập nâng cao của lớp 9 và học cùng với các anh chị lớp trên mình, Hải đã thể hiện sự sắc sảo hơn trong lối tư duy vật lí và khả năng sử dụng toán học. Bài toán khó, những anh học sinh giỏi lớp 9 vẫn còn chật vật để tìm phương hướng giải quyết, Hải đã làm ra và khi được yêu cầu giải thích, em trả lời rất tốt về hiện tượng vật lí xảy ra.

Trong quá trình học, Hải luôn thể hiện là một học sinh chăm chỉ, ngoan ngoãn. Môn Vật lí vốn khó vì đòi hỏi không chỉ hiểu biết thấu đáo hiện tượng Vật lí mà còn thành thạo các kĩ thuật toán học, sự cần mẫn tỉ mẩn trong tìm tòi học tập. Chính vì điều này, nên sau bao năm dẫn dắt đội tuyển, TS Nguyễn Công Toản cho biết có rất ít học sinh lớp 8 vượt qua được vòng loại chọn đội tuyển.

Nhưng với sự nỗ lực vươn lên, Võ Hoàng Hải đã vượt cấp và qua được vòng sơ loại chọn đội tuyển đi thi học sinh giỏi cấp quận, cấp thành phố môn Vật lí 9. Trong kỳ thi học sinh giỏi thành phố môn Vật lí, Hải giành được giải ba khi là học sinh lớp 8 và giành được giải nhất khi là học sinh lớp 9 (năm học 2020-2021). Trong quá trình học tập để thi học sinh giỏi lớp 9, Hải cũng dành thời gian tự đọc thêm Toán và Vật lí cấp 3. Đến cuối năm lớp 9, Hải đã có thể làm đề thi học sinh giỏi lớp 10 và đạt kết quả rất tốt.

Huy chương Vàng Olympic đến từ tình yêu Vật lí

TS Nguyễn Công Toản cùng Võ Hoàng Hải và các bạn trong đội tuyển Olympic Vật lí Châu Á.

“Tiếp đà đó, Hải bước vào lớp 10 với một phong thái tự nhiên, tự tin và ung dung. Chỉ trong thời gian ngắn, em đã tiếp nhận được một khối lượng kiến thức khổng lồ để có thể tham dự thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế và đạt được các thành tích tuyệt vời. Một điều quan trọng đáng quý đó là, Hải vẫn luôn vui vẻ, hồn nhiên, vô tư, yêu Vật lí một cách thuần khiết, luôn có khát vọng chinh phục và tinh thần tự học, phấn đấu vươn lên. Trong đời sống, Hải là người lễ phép, tình cảm và trách nhiệm.” - TS Nguyễn Công Toản nói về học trò.

Với Võ Hoàng Hải, thầy Nguyễn Công Toản đóng vai trò rất quan trọng trong việc hỗ trợ em phát triển tình yêu với môn Vật lí. Hải cho biết, thầy Toản và nhà trường luôn tạo điều kiện tốt nhất, giúp em phát triển khả năng của mình, cả ở trên lớp và ở đội tuyển.

Giành Huy chương Vàng Olympic, Võ Hoàng Hải tin trong tương lai em còn nhiều đỉnh cao khác cần chinh phục trên con đường Vật lí. “Em không đặt nặng vấn đề giải thưởng hay thành tích mà đơn giản là học vì vui thích và đam mê. Hiện em vẫn tham gia ôn luyện cùng đội tuyển, mở rộng kiến thức, đọc thêm tài liệu để tiếp tục chuẩn bị tham gia các kỳ thi Vật lí trong năm 2023 này. Em cũng xin các thầy cô giáo cho tham gia vào quá trình nghiên cứu khoa học để được học hỏi và tìm hiểu những kiến thức chuyên sâu hơn.” - Võ Hoàng Hải chia sẻ.

Huy chương Vàng Olympic đến từ tình yêu Vật lí

Lãnh đạo Trường ĐH Khoa học tự nhiên, Trường THPT Chuyên Khoa học tự nhiên và Bộ môn Chuyên Vật Lí tặng hoa chúc mừng 3 học sinh đạt Huy chương Vàng Olympic Vật lí quốc tế 2022.

Học sinh giỏi cần được tạo không gian tự do để "vùng vẫy"

Liên quan đến công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, TS. Nguyễn Công Toản cho rằng, để phát triển được năng khiếu của những học trò giỏi phải có những cách đào tạo đặc thù; đòi hỏi thầy cô giáo phải là người nắm được các kiến thức tổng thể của môn học, cập nhật những kiến thức hiện đại của thế giới để giảng dạy cho học sinh và hướng dẫn các em tự đọc, tự học.

Với học sinh giỏi, cần tạo cho các em một không gian tự do để vùng vẫy, cho phép được học vượt và tạo điều kiện thuận lợi cho các em tự tìm hiểu kiến thức, phát huy năng lực. Điều này đã được các thầy cô giáo ở Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên luôn chú trọng.

TS. Nguyễn Công Toản cho biết: Nhà Trường và các thầy cô đã cho đội tuyển một phòng học riêng, dành cho các em nhiều thời gian tự học. Các em có thể đến trường cả ngày, có thể tự do trao đổi kiến thức với nhau, tự do tương tác với các thầy cô giáo ở trường cũng như các nhà khoa học ở Khoa Vật lí của Trường ĐH Khoa học tự nhiên và ở các trung tâm nghiên cứu khác. Các em cũng được làm quen với thí nghiệm kiểm chứng và thí nghiệm khám phá.

“Với Võ Hoàng Hải nói riêng và cả đội tuyển nói chung, thầy cô giáo đã luôn dành cho các em một không gian được tìm tòi, học hỏi và khám phá không giới hạn các kiến thức. Trong thế giới bao la của kiến thức này, thầy cô giáo đóng vai trò là người gợi mở và dẫn dắt các em.

Trong thời gian tới, ngoài việc học theo các nội dung chuyên sâu của đội tuyển, nhà trường cũng tạo điều kiện cho Hải tiếp xúc với các nhà khoa học ở Khoa Vật lí của Trường ĐH Khoa học tự nhiên để em được học trước các môn học của đại học và tham gia vào các quá trình nghiên cứu. Hy vọng rằng, Hải sẽ tiếp tục phát huy để trở thành một nhà khoa học giỏi trong tương lai.” - TS. Nguyễn Công Toản cho hay.

Một số thành tích nổi bật của Võ Hoàng Hải:

- Giải nhất môn Vật lí kỳ thi chọn học sinh giỏi TP. Hà Nội cấp THCS 2021.

- Được tuyển thẳng vào Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên và được chọn vào đội tuyển Vật lí của trường.

- Giải nhất đồng đội trong cuộc thi Vật lí Physics Brawl năm thứ 11.

- Huy chương Đồng kỳ thi Vật lí quốc tế IZHO ở Kazakhstan 2022.

- Giải nhất kỳ thi chọn học sinh giỏi Quốc gia môn Vật lí THPT 2022.

- Huy chương Đồng Olympic Vật lí Châu Á 2022.

- Huy chương Vàng Olympic Vật lí Quốc tế 2022.

Theo Giáo dục & Thời đại.

 

Là thí sinh nhỏ tuổi nhất trong đội tuyển dự thi học sinh giỏi quốc gia môn Vật lý của Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên, thế nhưng, Võ Hoàng Hải đã xuất sắc giành được giải Nhất.

Trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia vừa qua, đội tuyển Vật lý của Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên (Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội) có 10 học sinh dự thi và tất cả đều đoạt giải cao. Trong đó, có 4 giải Nhất, 5 giải Nhì và 1 giải Ba.

4 học sinh đoạt giải Nhất bao gồm: Dương Hoàng Vũ Lâm (học sinh lớp 12), Vũ Ngô Hoàng Dương (học sinh lớp 11), Nguyễn Tuấn Minh (học sinh lớp 11) và Võ Hoàng Hải (học sinh lớp 10).

Học sinh lớp 10 đầu tiên giành giải Nhất quốc gia môn Vật lý

Các thành viên trong đội tuyển quốc gia môn Vật lý của Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên.

Thầy Nguyễn Công Toản, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên, cũng là người phụ trách đội tuyển Vật lý của trường cho rằng, kết quả này có được, ngoài nhờ sự dẫn dắt, phát triển và khơi dậy hứng thú học tập trong học sinh của các thầy cô dẫn đội, thì phần quyết định còn lại chính là nhờ sự nỗ lực không ngừng nghỉ của các thành viên tham dự.

“Đội tuyển năm nay tập hợp được nhiều học sinh có năng lực tốt, có tinh thần hăng hái học tập và tinh thần tự học rất cao. Ngoài việc học theo thầy cô, các em còn rất chủ động đọc sách tham khảo, bao gồm cả sách tiếng Việt và tiếng Anh.

Các em cũng được truyền tinh thần từ các anh chị khoá trước - một truyền thống quý báu của đội tuyển chuyên Tổng hợp. Cũng nhờ việc được truyền kinh nghiệm, truyền lửa và truyền lại kiến thức nên các em khoá dưới đều rất khí thế, hăng say học tập”.

Bên canh đó, theo thầy Toản, trong quá trình học, các em cũng đều rất tích cực thảo luận và học nhóm, sẵn sàng phản biện và nói ra quan điểm, từ đó có thể cùng nhau đưa ra cách giải tối ưu nhất và tìm ra đáp án nhanh nhất.

Học sinh lớp 10 đầu tiên giành giải Nhất quốc gia môn Vật lý

Hành trình ôn luyện năm nay cũng rất đặc biệt với cả thầy và trò, bởi đó là một hành trình dài hơn mọi năm (do lịch thi học sinh giỏi quốc gia năm nay phải lùi lại 2 tháng) và ảnh hưởng bởi tình hình Covid-19; do đó, các giờ học đều phải linh hoạt giữa hình thức học trực tuyến và học trực tiếp.

“Dạy đội tuyển thì luôn vất vả. Các em ngốn bài rất mạnh và hàm lượng kiến thức mỗi bài đều rất cao. Vì vậy, chính bản thân các thầy dẫn dắt đội cũng cảm thấy “áp lực” để chuẩn bị đầy đủ bài dạy cho các em.

Giành được kết quả này, thầy trò đều rất vui và tự hào. Tuy nhiên, tôi cũng mong rằng, các em sẽ không tự mãn mà cần phải nỗ lực hơn nữa để tiếp tục chinh phục những đỉnh cao tri thức mới, đặc biệt là với những em sẽ tham gia dự thi vòng 2 để lựa chọn vào đội tuyển đi thi khu vực và quốc tế tới đây”.

Giành giải Nhất quốc gia khi đang học lớp 10

Trong số 4 học sinh đoạt giải Nhất quốc gia môn Vật lý của Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên, Võ Hoàng Hải là học sinh nhỏ tuổi nhất. Em cũng là học sinh lớp 10 đầu tiên của Việt Nam giành giải Nhất quốc gia môn Vật lý và được tham dự chọn đội tuyển  Olympic Vật lý châu Á (APhO).

Theo thầy Toản, ngay từ sớm, Hải đã bộc lộ là một học sinh có tố chất đặc biệt về môn Vật lý, luôn ham học và chủ động học.

“Tôi biết Hải từ khi em học lớp 8. Ở thời điểm đó, Hải đã đoạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi thành phố môn Vật lý. Thực tế, môn Vật lý vốn khó vì nó đòi hỏi không chỉ sự hiểu biết thấu đáo của hiện tượng vật lý mà còn là sự thành thạo của các kỹ thuật Toán học, sự cần mẫn, tỉ mẫn trong tìm tòi học tập.

Chính vì điều này, có rất ít các em học sinh lớp 8 vượt qua được vòng loại chọn đội tuyển. Nhìn thấy tiềm năng và đam mê lớn của Hải, tôi tin rằng nếu được học trong một môi trường tốt, em sẽ phát huy được khả năng của bản thân trong lĩnh vực vật lý”.

Quả thực, đúng như kỳ vọng của thầy Toản, khi được tuyển thẳng và theo học tại Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên, Hải đã khẳng định bản thân và góp mặt vào trong đội tuyển quốc gia môn Vật lý của trường dù mới chỉ học lớp 10.

“Trường thường lựa chọn đội tuyển thông qua nhiều kỳ thi vòng loại, nhưng ở bài thi nào, Hải cũng vượt qua rất xuất sắc và luôn có điểm số thuộc top đầu. Thậm chí, trong bài thi để chọn đội tuyển chính thức, em cũng đứng vị trí thứ hai. Vì vậy, khi Hải đi thi, các thầy cô đều không quá lo lắng, ngược lại còn cảm thấy tin tưởng và kỳ vọng rằng Hải sẽ đạt được kết quả tốt”.

Học sinh lớp 10 đầu tiên giành giải Nhất quốc gia môn Vật lý

Trở thành thành viên nhỏ tuổi nhất tham dự kỳ thi này, Hải cho biết, em cũng từng khá lo lắng vì các anh chị đã có 1 – 2 năm để chuẩn bị, còn bản thân em chỉ có vài tháng ôn luyện nên kiến thức của bậc THPT vẫn còn thiếu sót rất nhiều. Vì thế, giai đoạn nước rút, Hải thường dành khoảng 10 – 12 tiếng mỗi ngày để học Vật lý.

“Nhưng càng gần ngày thi, em cũng không nghĩ nhiều đến điều đó nữa. Em học khá thoải mái và không cảm thấy mệt. Vì yêu thích môn Lý nên em luôn cảm thấy hạnh phúc khi giải được một bài Lý khó hay khi tìm ra được một góc nhìn mới nào đó.

Thay vì đặt ra áp lực cho bản thân, em cố gắng giữ cho mình tinh thần lạc quan nhất và coi cuộc thi này là cơ hội để được trải nghiệm và tăng thêm kiến thức”.

Hải tự nhận bản thân dù tiếp thu tốt, nhưng vẫn còn bất cẩn trong quá trình làm bài. “Vì vậy, em thấy mình vẫn cần phải nỗ lực nhiều hơn”, Hải nói. Nam sinh cũng mong muốn có thể khắc phục được điểm yếu này và cố gắng hơn nữa cho các kỳ thi sắp tới.

Trước đó, Hoàng Hải từng là cái tên khá nổi bật của khối THCS, Trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam. Em từng giành nhiều giải thưởng ở các cuộc thi trong nước và quốc tế như Huy chương Vàng trong kỳ thi Olympiad Toán Singapore và Châu Á SASMO trong 2 năm liền 2018 và 2019 tại Việt Nam.

Ngoài ra, Hải còn giành Huy chương Bạc trong kỳ thi quốc tế Olympiad Toán Singapore và Châu Á SIMOC năm 2018 tại Singapore; Huy chương Vàng trong kỳ thi khoa học quốc tế VANDA tại Việt Nam năm 2019 và Huy chương Bạc trong kỳ thi khoa học quốc tế VANDA tại Singapore 2019; Huy chương Đồng cho kỳ thi đánh giá năng lực toán quốc tế 2017-2018 IMAS 7;…

Vừa qua, Hải cũng đoạt Huy chương Đồng kỳ thi Vật lý quốc tế IZHO ở Kazakhstan.

Theo Vietnamnet.

Sáng 24/7, ngủ dậy lúc gần 9h, Trang Đào Công Minh, học sinh lớp 12 trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) bất ngờ khi nhận được rất nhiều tin nhắn chúc mừng kèm đường link với nội dung "Việt Nam giành ba huy chương vàng Olympic Vật lý quốc tế". Mở ra đọc, thấy mình là chủ nhân của một trong ba huy chương vàng đó, em vỡ òa hạnh phúc.

"Em biết mình đã làm tốt trong hai buổi thi, cũng đoán sẽ có huy chương chứ không phải chỉ tấm bằng khen như ở kỳ thi khu vực châu Á, nhưng không nghĩ sẽ giành giải vàng", Minh nói. Tấm huy chương vàng ở Olympic Vật lý quốc tế (IPhO) năm nay và huy chương bạc Olympic Vật lý phân tán quốc tế (IdPhO) năm ngoái khiến Minh củng cố niềm tin theo đuổi Vật lý là đúng đắn.

Giành huy chương vàng Olympic Vật lý quốc tế sau cú ngã ở giải châu Á

Trang Đào Công Minh vừa hoàn thành kỳ thi Olympic Vật lý quốc tế theo hình thức trực tuyến tại Đại học Sư phạm Hà Nội. 

Vốn học tốt Toán, đến năm lớp 7, Minh bắt đầu yêu thích Vật lý sau khi đọc sách của các anh chị lớp trên trong nhà và tìm hiểu trên mạng. Thấy Vật lý gần giống Toán nhưng lại có gì đó hay hơn, nam sinh bắt đầu ôn tập và đưa môn này vào lựa chọn để thi chuyên. Trượt trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam vì bị liệt môn tiếng Anh, đạt kết quả không cao khi thi vào chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội, nhưng Minh không thấy buồn bởi đạt được mục tiêu lớn nhất là đỗ chuyên Khoa học tự nhiên.

Vào được ngôi trường THPT mơ ước, Minh lại đặt mục tiêu vào đội tuyển của trường để được học nhiều kiến thức mới về Vật lý. "Em chỉ nghĩ đến vậy chứ không hề nghĩ được vào đội tuyển quốc gia rồi đi thi quốc tế bởi vào được đội tuyển của trường đã rất khó khăn, phải qua 4-5 vòng thi mà trong hai vòng đầu điểm em luôn ở top cuối", Minh nhớ lại. Thế nhưng khi chính thức được chọn vào đội tuyển, được bạn bè động viên "phải được vào tuyển quốc gia" để được tuyển thẳng đại học, Minh quyết định cố gắng hơn cho mục tiêu mới.

Ngoài sự hướng dẫn của thầy cô, Minh tự học rất nhiều. Tự nhận sẽ học không vào nếu tiếp cận với những gì không thích, Minh luôn tìm ra điểm thích thú ở mỗi phần kiến thức Vật lý để đào sâu. Đến lớp 11, được vào đội tuyển quốc gia, nam sinh từ chỗ liệt tiếng Anh khi thi vào lớp 10 phải dành ra vài tháng mày mò học để ít nhất có thể đọc tài liệu nước ngoài nhằm nâng cao kiến thức.

Kết quả, em được chọn đi thi quốc tế từ lớp 11. Nhưng năm ngoái, do ảnh hưởng của Covid-19, kỳ thi Olympic Vật lý quốc tế (IphO) bị hủy. Minh cùng các bạn đổi tuyển Việt Nam dự kỳ thi Olympic Vật lý phân tán quốc tế (IdPhO) do Bộ Khoa học Giáo dục Nga tổ chức. Em đã giành huy chương bạc.

Giành huy chương vàng Olympic Vật lý quốc tế sau cú ngã ở giải châu Á

Công Minh cùng các bạn trong đội tuyển Việt Nam dự thi IdPhO năm 2020. 

Lên lớp 12, Minh tiếp tục góp mặt trong đội tuyển quốc gia dự thi Olympic Vật lý châu Á - Thái Bình Dương hồi tháng 5 và Olympic Vật lý quốc tế vào tháng 7. Với tấm huy chương bạc ở giải quốc tế năm ngoái, nam sinh được sự kỳ vọng và đánh giá cao từ thầy cô ở trường và cả thầy ôn luyện cho đội tuyển quốc gia. Việc chỉ nhận bằng khen mà không giành huy chương khiến Minh thất vọng, dằn vặt mình đã không chuẩn bị tốt.

Tự thấy thiếu kinh nghiệm, tâm lý đi thi không vững khiến bị mất điểm ở bài thi thí nghiệm, Minh quyết nâng cao phần này để thi quốc tế vào tháng 7. Quãng thời gian tập trung học đội tuyển ở Đại học Sư phạm Hà Nội, em thường xuyên xin lên phòng thí nghiệm học và chủ động nhờ thầy hướng dẫn thêm.

Vào ngày thi chính thức, Minh và các bạn phải làm ba bài lý thuyết trong 5 giờ và hai bài thực hành cũng trong 5 giờ. Với bài lý thuyết, thấy "dễ thở" hơn các năm trước nhưng theo Minh điều này đồng nghĩa phải cẩn thận mà đó lại là điểm yếu của em. Không làm tốt như mong đợi nhưng Minh vẫn đoán đủ để có huy chương nếu không mắc sai lầm ở bài thực hành như đợt thi châu Á.

Với bài thực hành, Minh mất khá nhiều thời gian vì phải làm quen với những dụng cụ thí nghiệm chưa gặp bao giờ. Em cũng phải làm quen với máy tính của ban tổ chức để thực hiện những câu thí nghiệm ảo do không được dùng laptop cá nhân. Chưa kể, bài thực hành năm nay được đánh giá khó, phải tính toán, phân tích nhiều. Dù vậy, nam sinh hài lòng vì đã làm tốt hơn đợt thi châu Á.

Giành huy chương vàng Olympic Vật lý quốc tế sau cú ngã ở giải châu Á

Công Minh trong một buổi học thực hành trên phòng thí nghiệm. 

Thầy Nguyễn Công Toản, giáo viên chủ nhiệm của Minh, phụ trách đội tuyển Vật lý trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên, đánh giá cao bản lĩnh và ý chí của Minh. Nhắc lại kỳ thi Olympic Vật lý châu Á hai tháng trước, thầy Toản cho rằng đó là cú vấp ngã rất lớn của Minh. Em mắc một lỗi ngay bước đầu tiên của thao tác xử lý với phần mềm thí nghiệm ảo. Điều này khiến em gần như mất hết điểm một bài thực nghiệm dẫn đến trượt huy chương, thậm chí là vàng.

"Sau cú vấp ngã đó, tôi không thấy Minh tỏ vẻ chán chường. Em biết chấp nhận kết quả thất bại và tiếp tục cố gắng để bước tới kỳ thi IPhO. Lần này, em không phụ sự kỳ vọng của thầy cô và chính mình. Tấm huy chương vàng là rất xứng đáng với Minh. Thầy cô trường Chuyên Khoa học tự nhiên rất vui với kết quả này và tự hào về em", thầy Toản nói.

Giành được huy chương vàng sau ba lần thi quốc tế, Minh biết ơn vì được trải qua ba năm THPT ý nghĩa, lĩnh hội được nhiều kiến thức trong lĩnh vực yêu thích, gặp được những người bạn có cùng đam mê ở khắp cả nước. Em hơi nuối tiếc vì "đi" thi quốc tế nhưng chưa được ra nước ngoài để giao lưu với bạn bè các nước do ảnh hưởng của Covid-19. Thế nhưng những trải nghiệm ngay tại Việt Nam cũng rất đủ để em khép lại thời học sinh.

Năm học tới, chàng trai Hà Nội sẽ nhập học Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Em sẽ tiếp tục trau dồi, đặc biệt là tiếng Anh, để tìm kiếm cơ hội du học trong tương lai.

Theo Vnexpress.

Chuyện cổ tích về cậu học trò tự kỷ giành huy chương Toán quốc tế

Ngày 23/7 là một ngày đặc biệt nhất với gia đình cậu học trò Đinh Vũ Tùng Lâm (học sinh Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội). 

Nhận được tấm Huy chương Bạc trong kỳ thi Olympic Toán quốc tế (IMO) năm 2021, Tùng Lâm nói em muốn giành tấm huy chương này cho mẹ - người đã giành 18 năm để kiên trì đồng hành và chở che cho con trai mắc chứng tự kỷ.

“Người xứng đáng với tấm huy chương này nhất chính là mẹ. Nếu không phải là con của mẹ, chắc chắn em sẽ không làm được những điều như ngày hôm nay.

Mẹ đã đồng hành cùng em trong suốt 18 năm qua, là người bạn cùng em đến trường. Có mẹ bên cạnh, em cảm thấy mọi thứ đều không còn đáng sợ. Em cũng hiểu rằng, sau những thành công của mình luôn là những giọt nước mắt âm thầm, sự nhẫn nại và yêu thương của mẹ" - Lâm xúc động.

Sở thích đặc biệt với môn Toán

Chị Hải Yến – mẹ Lâm nhớ mãi cảm giác đau đến quặn thắt khi biết con trai mình mắc phải chứng tự kỷ. Nhưng cũng như rất nhiều người mẹ có con tự kỷ khác, dù day dứt, nhưng chị biết mình càng không thể suy sụp mà phải tìm mọi cách để đồng hành cùng con.

Con quậy phá, ngỗ ngược, không chịu ngồi yên,… đó là quãng thời gian cho đến tận bây giờ, chị vẫn cảm thấy sợ mỗi lần nhớ lại.

Năm Lâm lên 4 tuổi, con mới bắt đầu biết nói. Nhưng Lâm lại tỏ ra đặc biệt thích những con số. Chị Yến nghĩ, bằng mọi giá con phải được tới trường.

Nhưng không giống như các bạn khác, lên lớp 1, Lâm vẫn nói u ơ. Không ngôi trường nào dám nhận cậu bé vì cho rằng “Lâm không thể theo được nội quy của trường”.

Phải rất cố gắng, chị Yến mới có thể xin Ban giám hiệu Trường TH Lê Quý Đôn (Hà Nội) cho con học tập tại đây với lời hứa “sẽ đồng hành cùng con đi học”.

Nhưng việc cho Lâm đi học cũng không phải dễ dàng. Nhiều lần chị Yến rơi nước mắt khi nhìn thấy con đứng giữa sân trường, xin các bạn cho cùng đá bóng, nhưng không có người bạn nào chịu chơi cùng con.

“Thế rồi, Lâm cứ ôm gốc cây khóc mãi. Lúc đó, có một sự trào dâng khiến mình quyết tâm phải đồng hành cùng con, bằng mọi giá”, chị Yến nhớ lại.

Suốt quãng thời gian sau đó là hành trình hai mẹ con cùng nhau mọi lúc, từ những buổi học đánh vần chật vật, đến những bài ca dao mẹ dạy con ngay cả khi đang đi trên đường, hay những buổi hai mẹ con đèo nhau đi khắp phố phường để con tập quan sát và làm văn miêu tả,…

Chuyện cổ tích về cậu học trò tự kỷ giành huy chương Toán quốc tế

Nhưng cũng vì thế, chị Yến phát hiện ra Lâm có sở thích đặc biệt với môn Toán. Cậu bé có thể tính nhẩm rất nhanh và có khả năng ghi nhớ đặc biệt. Tới năm lớp 3, Lâm thi Violympic Toán và đoạt giải. Kể từ đó, cái tên Đinh Vũ Tùng Lâm bắt đầu trở nên quen thuộc với các giải thưởng Toán học.

Mắc chứng tự kỷ, Lâm lớn lên trong sự tự ti trước bạn bè và cuộc sống. “Tất cả những gì các bạn biết, Lâm đều không biết. Do đó, những giải thưởng này với con đều có rất nhiều ý nghĩa”.

Năm 2020, khi còn học lớp 11, Tùng Lâm đã lọt vào đội tuyển dự thi IMO. Nhưng Lâm là người duy nhất trong đoàn không giành được huy chương. Thời điểm đó, theo chị Yến, Tùng Lâm đã phải trải qua quãng thời gian “vô cùng kinh khủng”.

“Ngay khi đi thi về, con đã sống trong cảm xúc hoảng loạn. Lúc biết kết quả, con vỡ vụn rồi bật khóc vì cho rằng, vì con mà thành tích quốc gia bị tụt. Con tự trách bản thân, sau đó xin mẹ số điện thoại của các thầy trong trường và trong đội tuyển để gọi điện cho từng thầy để xin lỗi.

Nhưng có một điều rất may mắn là xung quanh con luôn có các thầy yêu thương. Được các thầy động viên, con đã lấy lại tinh thần sau một tháng”.

Ngày tuyên dương những học sinh đoạt giải quốc tế, mặc dù chị Yến sợ con chạnh lòng, nhưng Tùng Lâm vẫn xin mẹ cho tới vì muốn chúc mừng các bạn.

“Lâm là một đứa trẻ có tâm trong sáng, mặc dù khi ấy con rất buồn. Đến khi về nhà, con nói mình rất vui. Trong buổi tuyên dương đó, con gặp được Giáo sư Ngô Bảo Châu, lại được Giáo sư tặng cho một cuốn sách”.

"Nếu kịch bản giống năm ngoái, con vẫn chấp nhận"

Năm nay, khi Tùng Lâm bày tỏ mong muốn được tiếp tục đi thi quốc tế, chị Yến thương con, không muốn Lâm đi thi nữa. Chị không đành nếu con tiếp tục đi thi và kết quả không được như mong đợi.

“Năm ngoái khi biết kết quả, con khóc khiến mẹ cũng thương đến thắt từng khúc ruột. Tâm lý của Lâm không vững, nên mình không muốn gây sức ép cho con. Nhưng con quyết tâm, hứa với mẹ rằng sẽ tự tin và vững vàng. Nếu kịch bản giống như năm ngoái xảy ra, con vẫn sẽ chấp nhận”.

Đêm trước ngày diễn ra kỳ thi, hai mẹ con ôm lấy nhau và tự hứa, dù kết quả có thế nào, đi thi về con cũng không được buồn và khóc. “Con hãy cứ coi đây không phải cuộc thi mà con đang được đắm chìm với những bài toán mà con yêu thích”, chị Yến nói với Lâm.

Lâm cho biết năm nay em đi thi với tâm trạng vô cùng thoải mái. Mục tiêu của em đơn giản chỉ là được giải những bài toán hay trong đề thi, chứ không phải là tấm huy chương.

"Đối thủ duy nhất của em lúc ấy, không phải các bạn, mà chính là các bài toán”.

Kết quả, Tùng Lâm giành được tấm Huy chương Bạc và người có điểm số cao thứ 2 của đoàn Việt Nam. Nhận được kết quả của con, chị Yến cũng rơi nước mắt vì thương.

“Một đứa trẻ như con, để đi học đội tuyển đã phải đánh đổi rất nhiều. Kết quả này, với gia đình là điều quá đỗi hạnh phúc. Còn với Lâm, đây là món quà ý nghĩa không có gì bằng”.

Với chị Yến, Lâm vừa là nguồn sống, vừa là nguồn năng lượng. Đã có nhiều lúc, chị từng rơi xuống vực thẳm vì cảm giác “không còn lối thoát”. Đó là thời điểm khi Lâm học lớp 10, chị Yến phát hiện mình bị ung thư tuyến giáp. Dưới Lâm vẫn còn một em gái bị bại não.

“Mình tuyệt vọng nhưng vẫn phải kìm nén để mạnh mẽ hơn trước mặt bọn trẻ và cố gắng truyền năng lượng tích cực cho các con. Do đó, mỗi lần Lâm đạt được một kết quả nào đó, dù nhỏ thôi nhưng cũng khiến mình quên đi hết mệt mỏi và có thêm động lực sống tiếp”.

"Mơ ước làm thầy giáo"

Là người đã đồng hành cùng Tùng Lâm từ khi còn học lớp 10, thầy giáo Nguyễn Vũ Lương - nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên đánh giá, Lâm là một học sinh có năng khiếu đặc biệt về môn Toán và có “sức công phá” rất lớn.

“Chữ Lâm rất xấu, có những khi đọc bài giải của con, mãi các thầy mới hiểu. Cho nên, nếu không quan sát kỹ càng, các thầy có thể sẽ bỏ sót tài năng của Lâm.

Nhưng Lâm có một người mẹ vô cùng tuyệt vời, là người bạn đồng hành và luôn hết mình ủng hộ con. Điều đó làm tôi bắt đầu chú ý đến con nhiều hơn. Và quả thực, Lâm đã chứng minh được khả năng của mình qua từng bài toán”.

Theo thầy Lương, Lâm là một cậu bé rất chân thật và trong sáng. Nhiều khi Lâm sẵn sàng “phê phán” các thầy nếu bài giảng chưa hay. “Do đó, khi dạy Lâm, các thầy cũng phải rất gương mẫu”.

Cuối mỗi buổi dạy đội tuyển, thầy Lương luôn phát đáp án để học sinh tự chấm bài mình trước khi thầy công bố người đạt điểm cao nhất. Sau khi công bố điểm, chính thầy Lương cũng phải ngồi chấm lại bài của từng học trò.

“Lâm luôn tự chấm bài mình rất sát và tự đánh giá được mình thiếu gì. Đôi khi thầy có thể chấm cho Lâm hơi cao quá, chắc chắn con sẽ “đấu tranh” để được chấm đúng. Con là một cậu bé vô cùng trung thực”.

Với cậu học trò “đặc biệt” này, theo thầy Lương phải rất tâm lý để “làm công tác tư tưởng” trong quá trình học tập.

“Những đứa trẻ như thế, quan trọng người thầy phải tin vào chúng. Năm ngoái, khi đi thi không đoạt giải, Lâm đã gọi điện xin lỗi các thầy. Tôi nói với con rằng: “Không việc gì phải khóc, con về học tiếp đi”.

Thực tế, khi làm Toán, ngay chính chúng tôi trước đây, không phải cứ giải là sẽ ra. Tôi nghĩ rằng, giá trị của học trò không nằm ở tấm huy chương, bởi một kỳ thi không thể đánh giá được cả chặng đường dài. Điều quan trọng, các con phải kiên trì và biết đứng dậy sau thất bại. Đó mới là điều giá trị hơn cả”.

Chuyện cổ tích về cậu học trò tự kỷ giành huy chương Toán quốc tế

Chị Yến nói, từ lớp 9, Lâm luôn chỉ ước mơ sẽ trở thành một thầy giáo dạy Toán và được nghiên cứu về Toán. Điều đó khiến chị Yến phần nào nhẹ nhõm hơn. Chị nghĩ, đây là nghề “thuần” và hợp với con nhất.

“Mình tin rằng, nếu Lâm trở thành một thầy giáo, con sẽ giúp ích được cho rất nhiều người, bằng cái tâm trong sáng của chính con”.

Theo Vietnamnet.

Kỷ lục này được Nguyễn Thiện Hải An xác lập ở cuộc thi tuần 3 tháng 3 quý 3 Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 21 phát sóng vào ngày 6/6/2021.

Theo luật chơi của Đường lên đỉnh Olympia, ở phần thi Khởi động, các thí sinh có thể trả lời số câu hỏi không giới hạn trong vòng một phút. Và Hải An đã tận dụng rất triệt để từng giây một và có một phần thi rất thành công với 150 điểm.

Với bước chạy đà hoàn hảo, Hải An vươn lên dẫn đầu đoàn leo núi, cách thí sinh xếp ở vị trí thứ hai đến 50 điểm.

Nguyễn Thiện Hải An (Trường THPT Chuyên Khoa học Tự Nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội) lập kỷ lục điểm số ở phần thi Khởi động của Đường lên đỉnh Olympia với 150 điểm.

Ở phần thi Vượt chướng ngại vật ngay sau đó, Hải An tiếp tục thể hiện phong độ xuất sắc.

Chỉ ngay sau khi đáp án của từ hàng ngang đầu tiên được lật mở, Hải An cùng An Nguyên đã rất nhanh cùng phát tín hiệu xin trả lời Chướng ngại vật. Tuy nhiên, câu trả lời “Rùa biển” của Hải An mới là đáp án chính xác (trước đó bạn chơi An Nguyên đưa ra câu trả lời chưa chính xác là “Sao biển”). Qua đó, Hải An có tổng điểm 230, tiếp tục dẫn đầu đoàn leo núi và nâng khoảng cách với người xếp vị trí thứ hai khi đó là Minh Trung tới 120 điểm.

Kết thúc phần thi này, Hải An chia sẻ cảm thấy khá bất ngờ và ngạc nhiên trước số điểm hiện tại mà mình có được. Hải An tự nhủ sẽ phải cẩn trọng để tiếp tục duy trì được lợi thế này ở 2 phần thi còn lại.

Ở phần thi Tăng tốc, Hải An thất bại ở câu đầu tiên, tuy nhiên, em đã liên tiếp đưa ra các đáp án nhanh nhất và chính xác ở các câu hỏi còn lại, nâng tổng điểm lên thành 340 điểm.

Ở phần thi Về đích, Hải An chọn gói câu hỏi 10 - 20 - 30 và trả lời đúng 2/3 câu hỏi, nâng điểm số lên thành 370.

Song, chưa dừng lại ở đó, Hải An còn giành thêm được 40 điểm từ việc trả lời đúng các câu hỏi trong gói của các bạn chơi Minh Trung và An Nguyên, qua đó lên nâng tổng điểm lên thành 410 và giành vòng nguyệt quế cuộc thi tuần 3 tháng 3 quý 3.

Ngoài Hải An, xếp ở vị trí thứ hai là em Nguyễn Minh Trung (Trường THPT Việt Trì - Phú Thọ) với 225 điểm. Các em Trần Nguyễn Thanh Lâm (Trường THPT Tân Phú - Đồng Nai) và Trần Hộ An Nguyên (Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh - Hà Tĩnh) lần lượt xếp sau với 145 và 130 điểm.

Nguyễn Thiện Hải An là gương mặt quen thuộc trong các kì thi học sinh giỏi Toán, Khoa học ở Hà Nội khi liên tiếp giành nhiều huy chương trong các cuộc thi từ lớp 6.

Trước khi vào học tại Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên, Hải An giành HCĐ Vòng Mùa thu Kỳ thi Toán học không biên giới (MWB); HCV, hạng Prize (đạt điểm tuyệt đối cao nhất cuộc thi) Vô địch Toán cấp trung học Úc mở rộng AIMO 2018; HCV cuộc thi toán American Mathematics Olympiad (AMO); Giải nhất môn Hoá học học sinh giỏi thành phố Hà Nội; Giải nhất môn Khoa học học sinh giỏi thành phố Hà Nội.

Đặc biệt, An từng giành giải nhất quốc tế sáng tác nhạc Piano do MYC Canana (Music for Young Children) tổ chức lần thứ 32.

An cũng là gương mặt quen thuộc với khán giả truyền hình khi là Á quân Chung kết năm Chinh phục – Vietnam’s Brainiest Kid mùa thứ 3 (VTV3-VTV6), được coi là Kỷ lục gia cuộc thi này vì trả lời đúng 28 câu hỏi trong vòng 60 giây.

Trong một bài viết website Trường THCS Nguyễn Trường Tộ cách đây 2 năm, Hải An cho hay có dự định tham gia chương trình Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 21 khi đang học lớp 11. Trong tương lai xa, An có dự định học bậc đại học ngành Hoá học và đi vào nghiên cứu.

Bài luận về sự tử tế

Hà Hải Dương - học sinh trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội.

Phóng viên: Xin chào Dương, trước hết xin chúc mừng bạn với thành tích mà bạn đã đạt được. Vậy khi biết tin mình nhận được học bổng của 12 trường đại học Mỹ trong đó có trường đại học Georgetown với học bổng toàn phần bạn cảm thấy như thế nào?

Hải Dương: Em rất bất ngờ và không thể tin được về suất học bổng mình nhận được. Georgetown cấp cho em 68.000 USD 1 năm cho chi phí học tập, ăn ở và sinh hoạt cùng 3.500 USD 1 năm cho chi phí bảo hiểm.

Georgetown nổi tiếng với mức học bổng và hỗ trợ tài chính hạn chế với học sinh quốc tế, đặc biệt là học sinh Việt Nam. Vậy nên khi biết tin mình là 1 trong 7 học sinh nhận được học bổng từ nhà trường em đã không thể tin được vào mắt mình.

Phóng viên: Được biết, các trường đại học ở Mỹ thường đặt ra những yêu cầu rất cao, nhất là với những sinh viên quốc tế muốn xin học bổng. Dương hãy chia sẻ là làm thế nào mà bạn có thể dành được học bổng của trường Georgetown danh tiếng như vậy?

Hải Dương: Em có gửi đến ban tuyển sinh 2 bài luận.

Trong bài luận chính, em có chia sẻ một thông điệp rằng "Cuộc sống không phải để chôn vùi chiếc hố của thần Chết", bàn luận về tình yêu thương, sự tử tế. Khi đọc bộ hồ sơ của em, ban tuyển sinh có thể nghe được những câu chuyện, tính cách tư duy, phân tích cùng sức sống trí tuệ từ những hoạt động tranh biện, nghiên cứu khoa học.

Nhưng để là một con người thay đổi thế giới, quyết tâm giải quyết các vấn đề y học và môi trường, em đã chia sẻ về câu chuyện của mình và những người thân trong gia đình. Những buổi chăm sóc mẹ bị bệnh nặng ở viện đã khắc họa nên tính cách của con người em: kiên trì, bền bỉ, tử tế và giàu tình thương, đã truyền động lực cho em theo đuổi ngành y khoa tại trường Georgetown.

Còn bài luận phụ, em có chia sẻ về hành trình em thực hiện nghiên cứu về phân bón khi mới học lớp 7. Em theo dõi quá trình từng con giun đất phân hủy phân bón và đã ngẫm ra được 1 triết lý về cuộc đời. Những con giun đất khi bị cắt ra làm đôi sẽ trở thành hai con giun đất khác, và chính khó khăn sẽ là cơ hội để ta làm mới bản thân và vững bước hơn trên cuộc sống.

Hành trình đó đã truyền cho em một động lực thay đổi các vấn đề môi trường, nông nghiệp Việt Nam và không có điều gì sẽ làm em chùn bước. Những ý tưởng đó đã được em đưa vào bài luận chinh phục hội đồng tuyển sinh.

Phóng viên: Trong quá trình học tập và viết bài luận, chắc chắn sẽ không tránh khỏi những lúc mệt mỏi và áp lực. Vậy bạn đã gặp những khó khăn gì?

Hải Dương: Em nghĩ khó khăn lớn nhất, mà em cũng đã chia sẻ trong 1 phần của bài luận chính đó là ngay cả trong thời gian chuẩn bị và nộp hồ sơ thì mẹ em nằm viện điều trị và bố đi công tác xa nhà. Với hơn 40 bài luận cần phải hoàn thiện, kèm theo tự lo cho cuộc sống của mình nữa thì thực sự khá áp lực.

Bên cạnh đó em cũng bật mí là trong kỳ nộp hồ sơ tuyển sinh em có đưa ra quyết định bất ngờ đó là không gửi điểm SAT của mình. Dù điểm của em nằm trong mức 1% thế giới tuy nhiên số điểm đó chưa thể hiện đúng năng lực của em. Kỳ thi SAT năm ngoái em bị hủy 4 lần và trong lần thi duy nhất em không hài lòng về điểm của mình nên quyết định không gửi, dù mọi người phản đối quyết định này của em nhưng em vẫn đặt niềm tin vào lựa chọn của mình.

Tuy nhiên em vẫn được những trường đại học danh giá nhận. Bởi em tin rằng năng lực của em chưa bao giờ bị giới hạn bởi những con số trên học bạ, bảng điểm, hay trong 1 kỳ thi. Thứ thuyết phục được ban tuyển sinh phải là sự chân thành, đam mê, sự kiên trì, và tinh thần nỗ lực không ngừng nghỉ.

Bài luận về sự tử tế

Sự kiên trì, bền bỉ giúp Hà Hải Dương nhận học bổng toàn phần của trường ĐH Georgetown (Mỹ) danh giá.

Phóng viên: Trong 12 trường đại học mà Hải Dương đã được trúng tuyển vì sao bạn chọn trường ĐH Georgetown (Mỹ) ?

Hải Dương: Em quyết định theo đuổi chương trình dự bị Y Khoa, song ngành Hóa Sinh và Khoa học Chính trị tại đại học Georgetown ở thủ đô Washington DC tại Mỹ.

Lý do em chọn trường không chỉ nằm ở suất học bổng toàn phần, mà bởi vì trường có một danh tiếng cao tại Mỹ, là cái nôi đào tạo ra các tổng thống Bill Clinton, Lyndon Johnson, vua Felipe của Tây Ban Nha và cũng là trường đào tạo ra nhiều nhà ngoại giao đang làm việc tại Quốc hội Hoa Kỳ nhất.

Ngoài ra chương trình dự bị Y Khoa ở trường cũng đứng trong top đầu. Vị trí của trường giữa thủ đô Washington có thể cho em nhiều cơ hội nghiên cứu, thực tập và gặp gỡ với các diễn giả nổi tiếng.

Ngoài ra thì sau khi nộp hồ sơ khoảng 1 tuần em có nhận được lời mời phỏng vấn từ ban tuyển sinh đại học Georgetown. Người phỏng vấn em là bác David Cameron, chủ tịch công ty tư vấn luật có trụ sở tại HongKong và New York, bác cũng là cựu học sinh niên khóa 2002 của Đại học Georgetown.

Cuộc phỏng vấn diễn ra hơn 1 tiếng với các chủ đề mở, từ những vấn đề chính trị trong khu vực đến những vấn đề khoa học chuyên sâu liên quan đến dự án khoa học của em. Ngoài ra bác David và em cũng trao đổi rất kỹ về trường và trải nghiệm của bác tại Georgetown.

Bài luận về sự tử tế

Hải Dương luôn nhiệt huyết khi tham gia các hoạt động của nhiều sự kiện hóa học

Phóng viên: Ngoài công việc học tập, bạn có tham gia vào các hoạt động ngoại khóa nào khác không?

Hải Dương: Ở trường thì em có làm chủ tịch câu lạc bộ Hóa học của trường Chuyên Khoa học Tự nhiên, thành viên sáng lập và trưởng ban tổ chức hội chợ Khoa học Chem Storm thu hút hơn 1500 khán giả.

Bên cạnh đó, em cũng sáng lập ra tổ chức môi trường LiberVita cùng các hoạt động thu gom, tái chế rác thải thường niên và nhận được sự bảo trợ từ quỹ USAID và tổ chức Live&Learn.

Bài luận về sự tử tế

Hải Dương tham gia sự kiện ChemStorm của trường Chuyên Khoa học Tự nhiên

Em cũng là thành viên nòng cốt của câu lạc bộ tranh biện của trường. Và là thí sinh chung kết giải tranh biện Gấu Debating Championship, Á quân giải tranh biện Chuyên Nguyễn Huệ, Thí sinh tứ kết giải vô địch tranh biện Việt Nam luật Nghị Viện Anh. Em cũng thường xuyên tham gia các hội nghị mô phỏng liên hợp quốc.

Ngoài ra, em cũng rất thích bộ môn chụp ảnh, nó tạo cho em rất nhiều cảm hứng vừa thúc đẩy cảm hứng sáng tạo vừa giúp em thư giãn đầu óc.

Bài luận về sự tử tế

Hải Dương có sở thích chụp ảnh, giúp em thư giãn và đạt được những thành tích học tập

Phóng viên: Có rất nhiều người cũng đang có ước mơ và khao khát được du học Mỹ. Bạn có lời khuyên nào dành cho họ không?

Hải Dương: Lời khuyên của em dành cho những bạn có khát khao du học Mỹ rằng, sự chân thành là yếu tố tiên quyết để thành công. Du học Mỹ là một hành trình gian nan, em quen những bạn đạt điểm tuyệt đối trong kỳ thi SAT hay đạt được huy chương quốc tế nhưng vẫn phải nhận những lá thư từ chối. Đơn giản vì bạn không phải một mảnh ghép nhà trường tìm kiếm.

Các đại học Mỹ nhận hàng chục ngàn hồ sơ, và trong đó có rất nhiều hồ sơ đạt những thành tích ấn tượng. Khi đó, chính sự chân thành và cá tính của bạn sẽ dẫn bạn đến những suất học bổng từ những trường đại học danh giá.

Em tin rằng, sẽ có hàng ngàn hồ sơ với giải thưởng và bài báo khoa học, nhưng chỉ em mới thể hiện được cho ban tuyển sinh chân dung của một nhà khoa học với tư duy đầy kiên định mà vẫn mang một trái tim ấm áp, bao dung, lòng vị tha, và sự tử tế.

Phóng viên: Những dự định và ước mơ của Hải Dương sau này là gì?

Hải Dương: Do trúng tuyển ngành dự bị Y Khoa và có chính sách tuyển thẳng lên trường Y Đại học Georgetown nên em sẽ cố gắng giữ điểm số tốt và tiếp tục theo học trường Y.

Định hướng của em không hẳn là sẽ làm bác sĩ mà sẽ làm một nhà nghiên cứu y học trong tương lai. Ngoài ra thì em cũng rất quan tâm đến các vấn đề môi trường, nông nghiệp nên em có dự định học ngành Khoa học Chính trị để có thể tham gia vào công việc quản lý nhà nước trong các lĩnh vực y tế, sức khỏe, môi trường trong tương lai.

Phóng viên: Hải Dương có châm ngôn sống nào cho riêng mình không? Châm ngôn đó đã giúp bạn như thế nào trong quá trình học tập và chinh phục thành công?

Hải Dương: Chắc em sẽ lấy câu nói trong bài luận của em: "Cuộc sống không chỉ để chôn vùi cái hố của thần chết". Cuộc sống sẽ không có ý nghĩa nếu như mỗi tháng ngày ta không thể khiến cuộc sống của ta, và của mọi người xung quanh, trở nên tốt đẹp hơn.

Mỗi con người sinh ra đều có một giá trị và tiềm năng của riêng mình, đừng ngại thoát ra khỏi tổ kén của bản thân để khiến cuộc sống trở nên giá trị. Nấu một món ăn mới, gặp gỡ một con người mới, thử thách bản thân qua việc học một môn học mới, hay thậm chí lên đường đi du học là những ví dụ cho những trải nghiệm mới để chúng ta bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân mình.

Và khi chúng ta đã bước ra khỏi cái vùng an toàn đó, khai phóng tối đa tiềm năng của bản thân thì đừng quên học cách cống hiến cho xã hội để mang lại những điều ý nghĩa cho cuộc sống. Chính tinh thần đó sẽ thôi thúc em quay trở lại Việt Nam để phục vụ nước nhà, góp phần vào sự phát triển của ngành Y tế, môi trường và nông nghiệp.

Xin cảm ơn bạn về cuộc trò chuyện này! Chúc bạn ngày càng thành công trong tương lai!

Theo Dân trí.

 

Bộ môn Sinh học có sự tích hợp liên môn với những đặc thù riêng mà nếu không đủ đam mê rất khó chinh phục. Nhìn bề ngoài, Sinh học khô khan với những mảng kiến thức rời rạc, nhưng thực tế lại liên kết chặt chẽ. Học bằng cách sơ đồ hóa, hình ảnh hóa mọi thứ để thấy được mối quan hệ giữa các phần kiến thức, từ đó rút ra chi tiết cô đọng nhất. Phải thực sự “đam mê, tâm huyết” với những gì mình làm thì nhất định sẽ gặt hái được thành công đó là chia sẻ của cô nàng Nguyễn Phương Thảo –Trường THPT Chuyên Tự nhiên, cô nữ sinh duy nhất đạt huy chương trong kỳ thì Olympic quốc tế 2016-2017 môn Sinh học vừa qua.

PV: Được biết Phương Thảo là người rất năng động, đam mê môn sinh học. Hẳn em đã hướng cho mình một nghề nghiệp sau này của bản thân?

Nguyễn Phương Thảo: Em đam mê môn sinh học từ ngày còn bé khi xem các chương trình thế giới động vật, sự sinh tồn của động vật trong thế giới tự nhiên huyền bí ấy đã khơi gợi cho em sự tìm tòi và nhất định phải nghiên cứu để lý giải được điều đó. Em mong muốn tiếp tục theo đuổi niềm đam mê của mình với môn Sinh học, trước mắt, những ngành nghề liên quan đến Sinh học sẽ là lựa chọn số 1 của em. Đặc biệt, em mong muốn được theo đuổi lĩnh vực Sinh Y – lĩnh vực mà những nghiên cứu Sinh học được ứng dụng vào thực tiễn y học. Bởi theo em, khoa học khi áp dụng vào thực tiễn sẽ cho thấy giá trị tốt đẹp nhất của nó.

PV: Em chọn trường THPT chuyên Tự nhiên để học? Em có thể chia sẻ về Trường sau thời gian em gắn bó và nhắn nhủ tới các em HS chuẩn bị chọn trường THPT?

Nguyễn Phương Thảo: Khi vào cấp 3, ngôi trường mà em mơ ước nhất chính là THPT Chuyên KHTN. Không chỉ bởi trường luôn được biết đến là cái nôi phát hiện và bồi dưỡng các học sinh năng khiếu, với thành tích nhiều năm liền có học sinh tham gia và giành các giải Olympic Quốc tế, mà còn bởi các thầy cô trong trường đều là những nhà khoa học tài năng và những người định hướng tận tâm nhất. Đặc biệt, tiêu chí học tập của trường là nêu cao tính tự giác, đẩy mạnh niềm đam mê và tìm kiếm những niềm vui trong học tập cũng chính là tiêu chí mà bản thân em luôn hướng đến.

Với các em học sinh đang chuẩn bị chọn trường cấp 3, em muốn gửi tới các em lời chúc tốt đẹp nhất, chúc cho các bạn vượt qua kỳ thi cấp 3 thật thành công và thể hiện được hết khả năng của mình. Mong rằng các bạn sẽ vào được trường cấp 3 phù hợp nhất với ước mơ và hoài bão mà các bạn luôn theo đuổi. Và nếu các bạn thấy bản thân phù hợp với tiêu chí của trường THPT Chuyên KHTN, đừng ngại đăng ký nhé, vì cổng trường luôn rộng mở đón chào các bạn.

PV: Với em giải thưởng đạt được hôm nay có thực sự là động lực để em tiếp bước trên con đường dài sắp tới hay không?

Nguyễn Phương Thảo: Giải thưởng đạt được ngày hôm nay với em vừa là niềm tự hào, nhưng cũng là trách nhiệm và động lực to lớn nhất. Thành công không phải là đích đến cuối cùng, thất bại cũng chẳng phải vực sâu thăm thẳm, đó chỉ là động lực để chúng ta vững vàng hơn trên con đường sắp bước. Chính vì vậy, em luôn tự nhủ bản thân phải cố gắng hơn nữa, rèn luyện và khắc phục những yếu điểm của mình để tiếp tục theo đuổi đam mê và vững bước trên con đường mà em đã chọn.

Nguyễn Phương Thảo (thứ 2 từ trái sang) và cô giáo Thanh Huyền (thứ tư từ trái sang) cùng các bạn học sinh Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN

 

Nguyễn Phương Thảo là thí sinh nữ duy nhất trong đội tuyển Olympic quốc tế 2017 đạt giải

Chia sẻ của bạn Nguyễn Phương Thảo, để có được sự thành công đó Thảo nhắc đến nhiều nhất là cô giáo Th.s Đỗ Thị Thanh Huyền - Phụ trách đội tuyển HSG quốc gia, phụ trách đội tuyển Sinh học trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên là giáo viên hướng dẫn, mỗi phút giây đều tạo nên động lực và niềm đam mê cho Thảo.

PV: Bạn Thảo chia sẻ về đam mê ngành sinh học từ những câu chuyện sinh tồn trong thế giới động vật. Cô giáo có thể chia sẻ cách thức tạo nên sự đam mê cho học trò?

Cô giáo Huyền: Niềm đam mê, năng lực cá nhân và phương pháp học là 3 trong số các yếu tố cần thiết để giúp một học sinh thành công trên con đường chinh phục đỉnh cao tri thức. Trong đó, đam mê là yếu tố cần thiết đầu tiên, vì chính sự đam mê sẽ kích thích sự tìm tòi, khám phá, phát triển tư duy sáng tạo của học sinh, giúp học sinh vượt qua những trở ngại, khó khăn trong quá trình học. Khi các bạn học sinh lớp 10 mới vào trường, lúc này, các em đang rất nhiệt huyết với môn Chuyên mà các em đã chọn, các em cũng muốn thử sức với đội tuyển cũng như muốn khẳng định năng lực của mình. Vì vậy, việc phát hiện ra năng lực của học trò, việc tạo ra và duy trì niềm đam mê của các bạn ấy với môn Chuyên là điều tiên quyết đầu tiên thầy cô cần làm. Với tôi, để tạo đam mê và động lực cho học trò, trước hết tôi dành buổi học đầu tiên để:

(1) Nói chuyện với học trò về Sinh học, về những ứng dụng của sinh học trong đời sống, về những điều kì diệu của ngành khoa học được mệnh danh là “khoa học sự sống”, những điều mà các nhà khoa học đã khám phá ra và cả những điều đang chờ các bạn học sinh tìm ra câu trả lời trong tương lai.

(2) Giới thiệu cho các em những cái “được” khi tham dự các lớp học dự tuyển và đội tuyển học sinh giỏi. Các em không chỉ được tiếp cận với một nền tảng kiến thức sinh học rộng lớn để giúp các em có kiến thức khoa học trong việc giải thích các hiện tượng gặp trong cuộc sống, mà còn có nhiều cơ hội trao đổi, học tập, thảo luận với các thầy cô đều là những chuyên gia đầu ngành về các lĩnh vực học sinh đang quan tâm. Các em không chỉ được trau dồi kiến thức mà còn tích lũy được kinh nghiệm và phương pháp học tập, nghiên cứu khoa học.

(3) Giới thiệu về “thành tích” mà các anh chị khóa trước đã gặt hái được trên đấu trường trí tuệ như là một tấm gương để các em phấn đấu và đặt mục tiêu trong học tập.

Tuy nhiên, tất cả các yếu tố trên mới chỉ tạo niềm đam mê bước đầu, mới chỉ tạo cho học sinh sự tò mò muốn tìm hiểu về Sinh học. Trong quá trình học tập, độ khó của môn học sẽ tăng dần, các em sẽ nản, niềm đam mê có thể bị dập tắt. Bởi vậy, để duy trì đam mê cho học sinh, tôi chú trọng dạy các em phương pháp học, phương pháp thu thập thông tin, xử lí thông tin, lưu trữ thông tin và đặc biệt là cách vận dụng các kiến thức mình có vào trả lời các câu hỏi Sinh học. Khi đó, các em tự thấy mình làm chủ được kiến thức, làm chủ được các cơ hội, vượt qua được các thách thức để tiếp tục chinh phục các kiến thức đỉnh cao.

PV: Quan điểm của cô giáo về cách giảng dạy cho HS trong thời kỳ khoa học và công nghệ chuyển sang một giai đoạn phát triển mới mang tính liên ngành cao?

Cô giáo Huyền: Ở bất kì thời đại nào thì giáo viên cũng có vai trò quan trọng đối với sự thành công của học trò. Tuy nhiên, ở các thời đại khác nhau, do sự phát triển của xã hội khác nhau mà vai trò của giáo viên sẽ thể hiện ở những khía cạnh khác nhau. Hiện nay, chúng ta đang sống trong thế giới “phẳng” nên các em học sinh không chỉ thu nhận kiến thức từ nhà trường mà còn tiếp cận rất nhanh với các kiến thức từ sách, báo và internet. Đặc biệt, với sự phát triển ngôn ngữ chung của quốc tế, học sinh nhanh chóng tìm được các câu trả lời cho các nội dung nghiên cứu mà các em đang quan tâm.  

Sinh học là môn học có khối lượng kiến thức vô cùng rộng. Để học tốt sinh học, để hiểu được bản chất của các sự vật hiện tượng trong sinh học các em cũng cần có các kiến thức về vật lí, toán học, đặc biệt là hóa học. Thầy cô không thể trang bị cho học sinh tất cả các kiến thức học sinh cần, thay vào đó, thầy cô cần trang bị cho học sinh phương pháp tự học, tự nghiên cứu, phương pháp thu thập và xử lí thông tin, cách thức tư duy và xử lí tình huống, kĩ năng làm việc nhóm, kĩ năng thuyết trình …. hơn là chú trọng vào việc truyền đạt kiến thức đơn thuần. Nói cách khác, thầy cô cần sử dụng phương pháp dạy học lấy người học làm trung tâm, cố gắng giúp từng học sinh phát huy tối đa năng lực và niềm đam mê của họ.

Cô giáo Thanh Huyền tại Lễ kỷ niệm 50 năm Bộ môn Di truyền học

Đó là câu chuyện thành công của Cô trò Trường THPT chuyên Tự nhiên trong giảng dạy, học tập bộ môn sinh học, năng lực là điều kiện cần nhưng không thể thiếu niềm đam mê, tâm huyết. Cảm ơn cô giáo Huyền, bạn Nguyễn Phương Thảo đã có những khoảnh khắc chia sẻ với những trải nghiệm bổ ích giúp độc giả có những giây phút để trân trọng và ngẫm về chính bản thân mỗi người. Bất kỳ ở lĩnh vực nào đi chăng nữa chúng ta đều cần thiết có sự đam mê và tâm huyết, chắc chắn sẽ gặt hái được thành công trong cuộc sống.

Theo VNU

Học bổng mà Trần Thành Bảo nhận được từ ĐH Rochester (Mỹ) được cấu thành từ một vài khoản học bổng của trường. Trong đó, tiêu biểu là học bổng danh giá bậc nhất dành cho các sinh viên theo chuyên ngành khoa học và khối STEM – học bổng Whipple (đặt theo tên giáo sư nhân chủng học từng nhận giải Nobel sinh học).

Trần Thành Bảo hiện là lớp trưởng 12A1 Tin, THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên, ĐHKHTN - ĐHQGHN

Trần Thành Bảo hiện là lớp trưởng 12A1 Tin, THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên, ĐHKHTN - ĐHQGHN

Lớp trưởng học giỏi, bản lĩnh của lớp chuyên Tin

Trần Thành Bảo (sinh năm 2000) là lớp trưởng lớp 12A1 Tin, Trường THPT Chuyên Khoa Học Tự nhiên, Hà Nội. Mùa tuyển sinh năm nay, anh chàng vui mừng nhận thư báo trúng tuyển từ 4 trường đại học Mỹ: Univerisity at Cincinnati, University of Buffalo, University of Rochester và University of Minnesota Twin Cities.

Trong số đó, Rochester là ngôi trường có tỉ lệ cạnh tranh cao nhất (19% theo thống kê năm 2017 ). Trong thư báo đỗ, trường có nhấn mạnh về việc Trần Thành Bảo được là do hứng thú của bản thân trong nghiên cứu khoa học (được thể hiện rõ trong các bài luận). Không chỉ vậy, với việc số lượng học sinh rất hạn chế, nhà trường ưu tiên những học sinh thể hiện sự tự chủ (self-direction) trong lối suy nghĩ và phát triển bản thân.

Học bổng của University of Rochester trị giá 51.000 USD/ năm (tương đương gần 5 tỷ đồng cho 4 năm học) được cấu thành từ 1 vài khoản học bổng khác nhau của trường; trong đó nổi bật nhất chính là học bổng danh giá bậc nhất dành cho các sinh viên theo chuyên ngành khoa học và khối STEM – học bổng Whipple.

Học bổng này được đặt tên theo giáo sư nhân chủng học George Hoyt Whipple, trưởng khoa dược và nha khoa của Đại học Rochester vào năm 1921 và cũng là người đã từng nhận giải Nobel Sinh học.

Anh chàng lớp trưởng chuyên Tin từng xuất sắc nhận HCB cuộc thi Toán Châu Á Thái Bình Dương APMOP 2012, HCB cuộc thi Toán Hà Nội mở rộng HOMC 2013, Giải 3 Olympic Tin học - Đại học Khoa học Tự nhiên – ĐHQGHN, HCĐ Olympic Tin học - Chuyên Khoa Học Tự nhiên mở rộng (gồm các trường THPT Chuyên khắp Việt Nam).

 

Bảo và các bạn cùng lớp tạo dáng vui nhộn chụp ảnh kỷ yếu.

Bảo và các bạn cùng lớp tạo dáng vui nhộn chụp ảnh kỷ yếu

Bảo tâm sự, tháng 8 tới đây, em sẽ bay tới New York và theo đuổi đam mê khoa học tại ĐH Rochester. Chàng trai Việt rất hào hứng và tự tin vì sẽ được học tập và khám phá ở miền đất mới.

“Em có 2 niềm đam mê lớn, một trong số đó là nghiên cứu trí thông minh nhân tạo (A.I). Tuy nhiên, hơn cả thế, em còn muốn nghiên cứu cả trí thông minh khởi nguồn cho mọi thứ, hay chính là bộ não con người. Em thực sự tò mò về mục đích sau mỗi hành động của con người. Tại sao chúng ta lại cần những động cơ đó?

Chỉ khi em hiểu rõ cách chúng ta đưa ra quyết định, cách chúng ta sắp xếp các sự kiện và đưa ra chỉ thị cho mỗi cử chỉ, sắc thái, em mới có thể thực sự đi sâu vào nghiên cứu cách đưa những đặc điểm đó vào trong một cỗ máy. Nghe có vẻ hơi lệch (cười) nhưng suy cho cùng tâm lý học thực sự rất quyến rũ đối với em. Đó cũng chính là lí do em chọn tâm lý học làm ngành phụ”, Bảo cho hay.

Bình tĩnh, giàu nội lực, Thành Bảo gây bất ngờ với nhiều người khi chinh phục thành công các trường đại học Mỹ với thời gian nộp hồ sơ ngắn.

Bảo kể lại: “Em bắt đầu quay lại ôn để đi Mỹ từ giữa năm lớp 11 (tháng 10/2017) và rất nhiều người bảo rằng rất khó vì đã muộn. Dẫu mọi thứ đều cực kì gấp rút, em không thực sự thấy căng thẳng dù cho 1 tuần phải chạy đi học hết cả 6 ngày”.

Kết quả, điểm số chuẩn hóa mà Thành Bảo đạt được là 1480 SAT (Toán 800, Đọc - Viết 680), TOEFL 107, và SAT 2: Toán 800, Lý 780.

Tất cả đều là kết quả chỉ với 1 lần thi, vì thời gian ôn cho TOEFL và SAT vào khoảng 3 tháng/1 đầu điểm, còn SAT 2 cả 2 môn, Bảo ôn thi chỉ có vỏn vẹn 3 tháng.

 

Phấn đấu chế tạo được robot bác sĩ tâm lý

Bài luận của Bảo giống như một thước phim quay ngắn về chặng đường em đã đi qua.

“Trong thước phim này, em đã nhận ra rằng thế giới không phải thiên đường lý tưởng từ khi còn bé. Ở đó, chỉ những người giỏi nhất sẽ giành lấy sự vinh quanh, sự ghi nhận và những phần thưởng. Giống như Usain Bolt, người giành chức vô địch, mọi người đều biết đến tên ông. Tuy nhiên chẳng ai nhớ đến người về nhì sau Usain Bolt cả. Từ đó, em tự hạ quyết tâm sẽ luôn phải làm người giỏi nhất, người đứng đầu của cuộc chơi. Tuy nhiên đó là một sự sai lầm.

Phấn đấu để hơn người khác khiến em trở nên mệt mỏi và tràn ngập trong thất bại. Để rồi cuối cùng em mới nhận ra cái em thực sự cần là tốt hơn mình của hôm qua, hay chỉ cần hôm kia cũng đủ rồi. Và chỉ khi nhận ra điều đó, em mới bắt đầu gặt hái được những thành công nhất định và trờ nên hài lòng với những gì mình đang và sẽ phấn đấu để có trong tương lai”.

Không ngừng hoàn thiện bản thân, Thành Bảo tham gia vào các hoạt động thiện nguyện của trường như: Sắc Xanh Tự Nhiên (Chương trình chào 10), Nắng Sân Trường (Chương trình chia tay lớp 12), Codecamp Project (dạy học sinh lớp 6,7 cách sử dụng C++ để giải quyết một số bài toán đơn giản),… Những hoạt động này giúp em đẩy mạnh khả năng làm việc nhóm, mở rộng không chỉ các mối quan hệ xã hội mà còn vượt ra khỏi vùng an toàn của chính bản thân. Chúng đều là những cơ hội Bảo tận dụng để tự khám phá bản thân.

Ngoài học tập và ngoại khóa, chàng trai sinh năm 2000 dành thời gian rèn luyện sức khỏe và ý chí bằng “calisthenics” (thể thao đường phố - PV). Tập xà đơn, xà kép bắt nguồn từ việc em muốn cắt bớt mỡ để có 6 múi. Trong quá trình tập, anh chàng đã học được thêm rất nhiều điều mới mẻ đồng thời cải thiện được cách em tự chăm sóc bản thân và quan trọng hơn cả, rèn luyện tinh thần “có chí thì nên”.

Cố gắng, quyết tâm, kiên trì là chìa khóa mở cửa trường đại học Mỹ của chàng trai Việt.

Cố gắng, quyết tâm, kiên trì là chìa khóa mở cửa trường đại học Mỹ của chàng trai Việt

Có một điều mà Thành Bảo mong muốn chia sẻ về những bạn đang ấp ủ ước mơ du học Mỹ: “Ở Mỹ, có rất nhiều trường và vì vậy kèm theo đó là rất nhiều cơ hội. Tài chính có quan trọng thật, nhưng nó không có nghĩa để đi được thì bạn phải tốn cực nhiều tiền. Có nhiều trường dù xếp hạng không cao nhưng chất lượng vẫn rất tốt và chưa kể là rất hào phóng về khoản tiền học bổng. Nên hãy cố gắng và quyết tâm và kiên trì. Và rồi bạn sẽ tìm được nhưng kho báu”, chàng trai Việt nói.

Dự định trong tương lai của Bảo là tích lũy kinh nghiệm liên tục và cuối cùng có thể tự tạo ra một phần mềm mang tính kết hợp giữa ngành học chính và ngành học phụ em theo đuổi. Cụ thể hơn một chút, em muốn chế tạo một robot A.I có khả năng như 1 bác sĩ tâm lý học với các chức năng cơ bản, đủ để tư vấn và chỉ lối cho các bạn trẻ không có điều kiện và thời gian gặp bác sĩ tâm lý ngoài đời thực.

Châm ngôn yêu thích của chàng trai 19 tuổi này là: “Comfort breeds weakness”. Với em, thoải mái dễ dàng sẽ sản sinh ra sự yếu đuối. Chỉ khi đẩy bản thân vượt hết con sóng này đến con sóng khác, chúng ta mới tôi luyện bản thân trở nên mạnh mẽ đến không tưởng.

Theo Dân trí

Tại kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế được tổ chức vừa qua ở Thái Lan, trong số 3 tấm Huy chương vàng của Việt Nam có một tấm huy chương khá đặc biệt. Đó là tấm huy chương Olympic Hóa học quốc tế thứ hai trong cùng một gia đình.

Phạm Đức Anh và mẹ tại sân bay quốc tế Nội Bài

“Mê học như người ta mê cờ bạc”

Phạm Đức Anh, học sinh lớp 11 trường THPT chuyên Tự nhiên, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội, HCV Olympic hóa học quốc tế 2017. Đức Anh là thành viên nhỏ tuổi nhất trong đoàn Olympic Hóa học quốc tế Việt Nam.  Kết quả thi, Đức Anh đạt 89,46/100 điểm, đứng thứ 21/297 thí sinh tham gia dự thi. Cách đây 9 năm, anh trai của Đức Anh là Phạm Anh Tuấn cũng đã giành huy chương Đồng Olympic hóa học quốc tế.

Nói về cậu con trai của mình, chị Nguyễn Kim Thu, mẹ của Đức Anh cho biết từ nhỏ em đã rất mê học. “Không chỉ Đức Anh mà cả Anh Tuấn cũng mê học như người ta mê cờ bạc” - chị Thu ví von. Trong hai con trai, chị Thu khẳng định, năng lực của Đức Anh có phần vượt trội hơn anh trai. Anh trai của  Đức Anh là Phạm Anh Tuấn hiện đang là bác sĩ nội trú khoa Tai - Mũi - Họng, ĐH Y Hà Nội.

Cách đây 9 năm, Anh Tuấn đã giành huy chương đồng Olympic Hóa học quốc tế tại Hungari. Trước khi Đức Anh sang Thái Lan dự thi, Anh Tuấn đã đặt ra cho em trai một mục tiêu đó là phải đổi màu huy chương. Khi biết em trai đã thực hiện được lời hứa, Anh Tuấn vô cùng tự hào. Chị Nguyễn Kim Thu cũng không giấu nổi vui mừng.  Dù tin vui đã đến với gia đình vài ngày nay, nhưng với chị Kim Thu, niềm vui ấy như còn nhân mãi.

Sinh ra trong gia đình có truyền thống học tập, từ năm cấp 2, Đức Anh đã học rất nghiêm túc, cố gắng hết mình và đặc biệt say mê với môn Hóa. Ngoài định hướng từ cha mẹ, anh trai, em cũng mày mò để tìm ra phương pháp học phù hợp với bản thân. Mỗi ngày, Đức Anh dành khoảng 7-8 tiếng cho môn học yêu thích nhưng vẫn không lơ là các môn khác.

Để làm được điều đó, Đức Anh sẵn sàng từ bỏ thú vui xem phim, đá bóng. Ngoài ra, Đức Anh cũng thường xuyên trao đổi bài vở với mẹ - một tiến sĩ về hóa học hữu cơ. Chính những lần trao đổi đó, đặc biệt khi cùng con trai nghiên cứu về phổ cộng hưởng từ và con đưa ra kết quả đúng, chị Thu đã rất tin tưởng vào năng lực của cậu con trai thứ hai. Không những thế, chị Thu cho biết, anh trai của Đức Anh là người đi trước nên có nhiều kinh nghiệm để chia sẻ cùng em. Chị cho hay, từ khi Đức Anh bắt đầu học môn Hóa, không biết bao đêm hai con chị từng thức đến 2 giờ sáng để giải quyết bài tập khó.

Nơi tình yêu Hóa học bắt đầu

Hiện chị Nguyễn Kim Thu đang là trưởng khoa Dược, bệnh viện Da liễu Trung ương. Tình yêu hóa học của hai cậu con trai dường như được hun đúc, được bắt nguồn từ chính người mẹ. Chị Thu kể, năm Phạm Anh Tuấn được 4, 5 tuổi, chị làm tiến sĩ ngành Hóa Hữu cơ tại trường ĐH Khoa học tự nhiên. Sau khi Anh Tuấn được đón ở trường mầm non về, chị thường đưa con đến phòng thí nghiệm của trường ngồi chơi, chờ mẹ làm việc. Lúc đó, đồ chơi yêu thích của Anh Tuấn chính là những chiếc ống nghiệm.

Rồi sau này lớn hơn, Anh Tuấn lại thường xuyên cùng mẹ đến bệnh viện để đợi mẹ làm việc. Những ngày tháng đó, đã hình thành nên trong cậu bé Phạm Anh Tuấn tình yêu đối với Hóa học và với ngành y. Chính vì vậy, sau khi đoạt huy chương Đồng hóa học quốc tế, Anh Tuấn không du học nước ngoài mà học Y đa khoa của ĐH Y Hà Nội. Sau 6 năm, Tuấn đỗ Bác sĩ nội trú chuyên ngành Tai - Mũi - Họng. Tháng 9 này cậu tốt nghiệp và làm việc tại bệnh viện Tai - Mũi - Họng trung ương.

Chị Thu kể, cấp II, Đức Anh học chuyên Hà Nội - Amsterdam. Thi lớp 10, Đức Anh đỗ cả chuyên Hóa của trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam và chuyên Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội. Nhưng nghe anh trai khuyên, Đức Anh chọn chuyên Khoa học tự nhiên.

Quan điểm dạy con của chị Thu đó là đánh giá đúng năng lực của con và đầu tư công sức, thời gian cho con để có được thành công như ngày hôm nay. “Ngày xưa, các giáo sư hàng đầu của ngành Hóa học Việt Nam là những người hướng dẫn chị làm nghiên cứu sinh. Bây giờ, cũng chính những giáo sư đó dạy hai con trai chị. Còn gì để có thể hạnh phúc hơn” - chị Thu nói.

Nhà có truyền thống theo ngành Y, chị Thu cũng cho biết, sau khi tốt nghiệp THPT, Đức Anh cũng sẽ lựa chọn ĐH Y Hà Nội. Tuy hai cậu con trai đều đã lớn, nhưng với chị Thu, các con vẫn như ngày nào. Vẫn chỉ muốn ăn những món ăn mẹ nấu. Vẫn muốn về nhà để nói chuyện, bàn luận cùng mẹ về môn học đầy đam mê -  Hóa học.

Được biết, ở Việt Nam đến nay có  hai gia đình cùng có hai con đoạt huy chương tại các kỳ thi Olympic quốc tế.  Gia đình thứ nhất là gia đình của Phạm Đức Anh ở Hà Nội. Trong đó, anh trai Đức Anh là Phạm Anh Tuấn đoạt huy chương đồng Olympic Hóa học quốc tế năm 2008, còn Phạm Đức Anh đoạt huy chương vàng Hóa học quốc tế năm 2017. Cả hai anh em Đức Anh và Anh Tuấn đều học trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên, trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội.

Gia đình thứ hai là gia đình của 2 anh em Vũ Ngọc Minh và Vũ Hồng Anh ở Hải Phòng. Trong đó, Vũ Ngọc Minh giành hai huy chương vàng Toán học quốc tế năm 2001 và 2002. Em trai Vũ Hồng Anh giành huy chương bạc Olympic Vật lý quốc tế 2009. Vũ Ngọc Minh học tại trường THPT chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội, còn Vũ Hồng Anh học tại THPT chuyên Trần Phú, Hải Phòng.

Theo Tiền Phong

Nguyễn Thế Hoàn - học sinh lớp 11 Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên (Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQGHN) đã xuất sắc giành huy chương Vàng Olympic Toán học quốc tế 2014. Để có thành tích này, Hoàn đã phải nỗ lực rất nhiều khi hoàn cảnh gia đình khó khăn, hai bố mẹ lên Hà Nội làm phụ hồ mưu sinh.

Học cấp THCS chỉ ở trường huyện nhưng Nguyễn Thế Hoàn quyết định đầu đơn dự thi vào lớp 10 của 3 trường chuyên gồm THPT chuyên Thái Bình, THPT chuyên - ĐH Sư phạm Hà Nội và THPT chuyên Khoa học Tự nhiên (ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQGHN). Thật bất ngờ khi mà em cùng một lúc đỗ 3 trường và cuối cùng Hoàn đã chọn THPT chuyên Khoa học Tự nhiên làm đích đến.

Giải thích về sự lựa chọn này, Hoàn cho biết: “Em chọn ngôi trường này vì ở đó từng có nhiều anh chị đi thi quốc tế môn Toán giành huy chương Vàng, Bạc, Đồng. Ở đó có những người như GS Ngô Bảo Châu, GS Lê Hùng Việt Bảo, GS Ngô Đắc Tuấn là những người em rất thần tượng”.

Thương con, bố mẹ lên Hà Nội làm... phụ hồ

Ngày biết tin con đỗ cả 3 trường chuyên, gia đình chị Nguyễn Thị Thảnh - mẹ của Hoàn vui mừng khôn xiết. Bản thân chị Thảnh cũng định hướng cho con học trường chuyên ở Thái Bình cho gần nhà và đỡ tốn kém. Lúc đó Hoàn đã thuyết phục mẹ: “Con học ở đâu thì cũng phải ăn và sinh hoạt. Bố mẹ cứ cho con học 1 năm ở Hà Nội, nếu tự thấy không được con sẽ xin về. Nhưng con rất yêu thích ngôi trường này và con sẽ cố gắng hết sức mình”.

Vì muốn được thể hiện mình, Nguyễn Thế Hoàn đã quyết định lên Hà Nội học

Vì muốn được thể hiện mình, Nguyễn Thế Hoàn đã quyết định lên Hà Nội học để chinh phục thử thách

Trước quyết tâm của Hoàn, gia đình đã đồng ý cho em lên Hà Nội học. Bên cạnh đó, chị Thảnh cùng chồng là anh Nguyễn Văn Hòa cũng quyết định về thủ đô làm phụ hồ và thợ xây để kiếm tiền cho con ăn học.

“Ở nhà chỉ có mấy sào ruộng, nếu cứ ở nhà thì không thể đủ chi phí cho em nó ăn học nên vợ chồng chúng tôi quyết định về thủ đô. Dù vất vả, khó khăn nhưng cũng có thu nhập khá hơn ở quê. Bên cạnh đó, cũng được gần gũi giúp đỡ con” - chị Nguyễn Thị Thảnh bộc bạch.

Ngày đưa con lên Hà Nội nhập học cũng là ngày vợ chồng anh chị về thủ đô: chị làm phụ hồ, anh làm thợ xây kiếm tiền nuôi 2 con trai ăn học. Do tính chất công việc nên hai vợ chồng thường đi theo ăn, ngủ ở công trình. Con ở kí túc xá trên đường Lương Thế Vinh, nên thi thoảng vào những buổi tối được nghỉ làm, anh Hòa cùng vợ lại đèo nhau bằng xe máy sang thăm con.

“Hai vợ chồng làm trên này thì hàng tháng thu nhập 6-7 triệu đồng. Mọi thứ đều phải tiết kiệm vì ngoài lo việc học hành cho Hoàn ở trên này còn phải gửi tiền về quê cho ông bà chăm lo cho cậu em trai của Hoàn. Cũng may mắn là ngôi trường Hoàn đang theo học rất quan tâm đến học trò, đặc biệt là những em có thành tích tốt. Ngoài việc được nhà trường cấp học bổng thì thỉnh thoảng Hoàn cũng được các tổ chức, cá nhân trao học bổng” - chị Thảnh cho biết.

Cũng theo lời chị Thảnh, Hoàn học giỏi từ nhỏ. Hồi em lên 3 tuổi, có người chị gái sang chơi mang theo tờ báo, Hoàn cứ đòi mượn để đọc. Cả nhà bất ngờ khi con chưa được ai dạy chữ đã biết đọc.

Khả năng Toán học của Hoàn, theo lời của nhiều thầy cô dạy em, như một thứ năng khiếu trời cho, cộng thêm với sự chỉ dẫn của những người thầy giỏi nên ngày càng được phát huy.

"Mừng rơi nước mắt khi biết tin con giành huy chương Vàng"

Nhớ về cảm xúc nhận tin Hoàn đoạt huy chương Vàng, chị Thảnh kể lại: Nghe tin vợ chồng mừng rơi nước mắt. Hôm đó là thứ 7 tuần trước, vợ chồng tôi đang ăn cơm thì nghe cô dì dưới quê biết thông tin qua báo nên gọi điện lên báo tin. Nghe xong, vợ chồng tôi không tin bởi cứ đinh ninh con mình đoạt giải sẽ gọi điện báo về. Lúc đó, tôi cũng lấy điện thoại ra gọi cho con nhưng không được. Sau đó cô dì khẳng định “như đinh đóng cột” nên vợ chồng mới tin. Bữa cơm hôm đó dở dang vì niềm vui đến qua bất ngờ, vợ chồng không thể nói lên lời, chỉ biết nhìn nhau trong nước mắt.

Chị Nguyễn Thị Thảnh (áo trắng) bất ngờ với kết quả mà con trai mình 

Chị Nguyễn Thị Thảnh (áo trắng) bất ngờ với kết quả mà con trai mình đạt được.

Anh Nguyễn Văn Hòa tâm sự thêm: “Chúng tôi mừng lắm. Vậy là bao năm con cùng bố mẹ lên Hà Nội học hành, mưu sinh nay đã có ngày đoạt chương Vàng. Hạnh phúc lớn nhất của vợ chồng tôi là con được theo đuổi đam mê và luôn cố gắng hết mình”.

Cũng theo anh Hòa, trước khi con lên đường, anh chỉ biết động viên con, không đặt mục tiêu con có đạt huy chương hay không. Anh cũng chỉ mong muốn con nỗ lực hết mình, làm bài hết khả năng.

“Tôi rất bất ngờ với kết quả mà Hoàn đạt được. Trong đội tuyển đều là các anh chị lớp 12 trong khi Hoàn mới học lớp 11. Tấm huy chương Vàng này vượt qua cả sự mong đợi của gia đình” - mẹ Hoàn tâm sự.

Học sinh Trường THPT Chuyên KHTN giành huy chương Vàng Olympic Toán quốc tế

Em Nguyễn Thế Hoàn và các thành viên của đoàn vinh dự được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT tặng bằng khen.

Trong khi gia đình Hoàn thì bất ngờ thì thầy cô của trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên thì đã dự đoán trước được phần nào đó kết quả.

TS Phạm Minh Quốc - Chủ nhiệm bộ môn chuyên Toán, người cùng em Hoàn sang bên Nam Phi dự thi chia sẻ: “Mặc dù mới chỉ học lớp 11 nhưng tư duy về Toán của Hoàn rất đặc biệt. Em có một “độ nhạy” về Toán học rất tốt. Ngay từ khi em vào trường học, chúng tôi đã phát hiện ra khả năng đặc biệt này của Hoàn”.

Ban giám hiệu nhà trường cũng cho biết thêm, Hoàn là Phó bí thư lớp khá năng nổ. Em cũng là con người sống nội tâm nhưng hòa đồng với bạn bè. 

Tâm sự ngay khi xuống sân bay Nội Bài (Hà Nội), Hoàn cho biết em rất vui và tự hào với tấm huy chương Vàng đoạt được. Hoàn cho biết sẽ học thêm tiếng Anh để năm tới nộp hồ sơ vào ngành Toán của một trường ở Mỹ hoặc Canada và sẽ cố gắng kiếm càng nhiều học bổng càng tốt vì điều kiện gia đình khó khăn, không đủ lo chi phí nếu phải đóng quá nhiều. Lĩnh vực em dự định theo đuổi sẽ là ngành Toán học ứng dụng.

 

6 học sinh giành huy chương Olympic Toán quốc tế 2014

Ba học sinh đoạt huy chương Vàng gồm: em Nguyễn Thế Hoàn- học sinh lớp 11 Trường THPT chuyên Tự nhiên (ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQGHN); Phạm Tuấn Huy - lớp 12 Trường Phổ thông Năng khiếu - ĐHQG TPHCM và Trần Hồng Quân - lớp 12 Trường THPT chuyên Thái Bình (tỉnh Thái Bình).

Hai em đoạt được huy chương Bạc là em Vương Nguyễn Thùy Dương - lớp 12 THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Đà Nẵng và em Hồ Quốc Đăng Hưng - lớp 12 Trường Phổ thông Năng khiếu - ĐHQG TPHCM.

Học sinh đoạt huy chương Đồng là em Nguyễn Huy Tùng - lớp 12 Trường THPT chuyên Trần Phú, TP Hải Phòng.

Theo Dân trí

TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC TỰ NHIÊN

ĐỊA CHỈ: 334 Nguyễn Trãi - Thanh Xuân - Hà Nội

Điện thoại: (84) 0243-8584615 / 8581419

Fax: (84) 0243-8523061

Email: hus@vnu.edu.vn - admin@hus.edu.vn

Cổng thông tin tuyển sinh Đại Học Quốc Gia Hà Nội: http://www.tuyensinh.vnu.edu.vn

LIÊN KẾT FACEBOOK

Bản quyền © Trường ĐHKHTN-ĐHQGHN