Từ năm 2023, một ngành mới toanh sẽ được Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức đào tạo ở trình độ ĐH, với dự kiến tuyển sinh 50 chỉ tiêu. Đó là ngành sinh dược học.
ĐH Quốc gia Hà Nội vừa ban hành chương trình đào tạo trình độ ĐH ngành sinh dược học, và giao Trường ĐH Khoa học Tự nhiên tổ chức đào tạo thí điểm ngành này. Theo đó, từ năm 2023, sinh dược học sẽ là ngành mới lần đầu tiên được tuyển sinh.
Giảng viên bộ môn vi sinh, Khoa Sinh học, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội hướng dẫn sinh viên sử dụng thiết bị
Vì đây là ngành đào tạo thí điểm, do ĐH Quốc gia Hà Nội xây dựng, nên chưa có mã số tuyển sinh chính thức trong danh mục mã ngành do Bộ GD-ĐT ban hành. Theo đề xuất của ĐH Quốc gia Hà Nội, ngành sinh dược học có mã ngành là 7429001QTD.
ĐH Quốc gia Hà Nội cho hay, đề án mở ngành đào tạo sinh dược học xuất phát từ thực tế về nhu cầu xã hội đối với nguồn nhân lực có khả năng nghiên cứu cơ bản và thực hiện các kỹ thuật phân tích của lĩnh vực sinh dược học, nhằm phát triển các nguồn dược liệu, dược phẩm mới và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe cộng đồng; có năng lực nghiên cứu khoa học, có khả năng tiếp cận và ứng dụng các thành tựu khoa học tiên tiến vào thực tiễn nghề nghiệp. Việc mở mã ngành còn xuất phát từ năng lực đào tạo, chiến lược phát triển và tầm nhìn của Khoa Sinh học, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội.
Đầu vào tuyển sinh của ngành này sẽ xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT theo các tổ hợp: A00 (toán, lý, hóa), A02 (toán, lý, sinh), B00 (toán, hóa, sinh), B08 (toán, sinh, tiếng Anh).
Ngoài ra, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên sẽ dùng các phương thức khác theo quy định của Bộ GD-ĐT và ĐH Quốc gia Hà Nội. Năm đầu tiên tuyển sinh dự kiến tuyển 50 chỉ tiêu.
Cũng theo ĐH Quốc gia Hà Nội, ngành sinh dược học là chương trình đào tạo liên ngành, đòi hỏi không chỉ sự kết hợp các kiến thức đơn ngành về sinh học và dược học đơn thuần, mà còn có 20 học phần tích hợp khác.
Sinh viên tốt nghiệp ngành sinh dược học sẽ đạt trình độ chuyên môn và kỹ năng cần thiết để nghiên cứu khoa học sinh dược và các lĩnh vực có liên quan với vai trò như: chuyên viên phân tích sinh dược học, nghiên cứu viên lĩnh vực sinh dược học, nhân viên bộ phận nghiên cứu và phát triển sản phẩm sinh dược học, nhân viên tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật sử dụng các thiết bị, hệ thống sản xuất thuộc lĩnh vực sinh dược học, tham gia vào quá trình nghiên cứu phát triển thuốc, tham gia tư vấn thiết kế, đào tạo, phát triển sản phẩm chăm sóc sức khỏe ở các viện nghiên cứu, các trung tâm, các công ty và cơ quan nghiên cứu của các bộ, ngành, các trường ĐH.
Ngoài ra, người được đào tạo ngành này khi tốt nghiệp còn có khả năng tham gia giảng dạy sinh dược học, sinh học, công nghệ sinh học và các ngành liên quan ở các cơ sở giáo dục; làm việc ở các cơ quan quản lý các cấp và cơ sở sản xuất có liên quan đến sinh dược học.
Theo Thanh Niên.
Năm 2023, Trường Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội lần đầu tiên đào tạo ngành Môi trường, Sức khỏe và An toàn.
Đại học Quốc gia Hà Nội ban hành Quyết định số 1555/QĐ-ĐHQGHN ngày 5/5 về việc ban hành và giao nhiệm vụ đào tạo thí điểm trình độ đại học ngành Môi trường, Sức khỏe và An toàn cho Trường Đại học Khoa học Tự nhiên.
Chương trình Môi trường, Sức khỏe và An toàn có mã số đào tạo 7859003QTD, do khoa Môi trường trực tiếp phụ trách. Năm 2023, ngành tuyển sinh 50 chỉ tiêu, thời gian đào tạo là 4,5 năm và cấp bằng kỹ sư.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Khải - Trưởng khoa Môi trường, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên cho biết, việc mở ngành Môi trường, Sức khỏe và An toàn nhằm đáp ứng nhu cầu lớn của thị trường lao động Việt Nam về nhân lực có trình độ chuyên môn sâu trong lĩnh vực môi trường, sức khoẻ nghề nghiệp và an toàn lao động.
“Hiện nay đa phần các doanh nghiệp đều có nhu cầu nhân sự tại các vị trí về đảm bảo môi trường tại các nhà máy, khu công nghiệp, cơ sở sản xuất; về bảo vệ sức khỏe người lao động và đảm bảo an toàn lao động.
Bởi nếu hạn chế được các thiệt hại do hoạt động sản xuất gây ra đối với người lao động, kiểm soát được ô nhiễm môi trường, và giảm thiểu được các rủi ro về an toàn lao động thì sẽ mang lại lợi ích rất lớn về cho doanh nghiệp.
Trong quá trình khảo sát, điều tra và đánh giá nhu cầu của thị trường, chúng tôi nhận thấy các tập đoàn công nghiệp trong các lĩnh vực như: năng lượng, điện tử, hóa chất, xi măng, thép… đều dành sự quan tâm lớn đến nguồn nhân lực có chuyên môn sâu về môi trường, sức khỏe nghề nghiệp và an toàn lao động”, thầy Khải chia sẻ.
Sinh viên khoa Môi trường, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên trong phòng thí nghiệm hiện đại.
Khung chương trình của ngành Môi trường, Sức khỏe và An toàn được thiết kế nhằm trang bị cho sinh viên kiến thức toàn diện và chuyên sâu để áp dụng trong các công việc liên quan đến: quản lý môi trường, sức khỏe nghề nghiệp, an toàn lao động; kiểm soát ô nhiễm môi trường, quan trắc, giám sát, kiểm soát và đánh giá các rủi ro (rủi ro về hóa chất, cháy nổ, ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường,…), an toàn trong lao động; quản lý sức khỏe nghề nghiệp; các yếu tố ảnh hưởng tới sức khỏe con người trong các hoạt động sản xuất; an toàn vệ sinh công trường, nhà xưởng sản xuất; an toàn vệ sinh thực phẩm của người lao động;…
Phó Giáo sư Nguyễn Mạnh Khải cho biết thêm, ngành học này phù hợp với những bạn trẻ quan tâm đến các vấn đề môi trường, yêu thích các hoạt động liên quan đến bảo vệ môi trường, sức khoẻ con người và an toàn lao động.
Khung chương trình của ngành Môi trường, Sức khỏe và An toàn được thiết kế nhằm phù hợp với quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa, cũng như sự phát triển không ngừng của các doanh nghiệp công nghiệp như: Dịch tễ học sức khỏe môi trường - nghề nghiệp; Hệ thống thông tin môi trường, an toàn và sức khỏe; Giáo dục, truyền thông về môi trường, an toàn và sức khỏe; An toàn phóng xạ; An toàn sinh học; An toàn điện, hóa chất; Sản xuất và quản lý doanh nghiệp bền vững…
Các kỹ sư ngành Môi trường, Sức khỏe và An toàn có thể tìm kiếm cơ hội việc làm tại các doanh nghiệp, nhà máy, khu công nghiệp, cơ sở sản xuất… hoặc công tác tại các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường, an toàn lao động, sức khỏe nghề nghiệp, vệ sinh môi trường.
Sinh viên sau khi tốt nghiệp cũng có thể đảm nhận công việc giảng dạy và nghiên cứu các trường đại học, các viện nghiên cứu, các tổ chức quốc tế, tập đoàn đa quốc gia, trung tâm, doanh nghiệp tư vấn về lĩnh vực môi trường, sức khỏe nghề nghiệp và an toàn lao động.
Đây là ngành học thứ 5 mà Đại học Quốc gia Hà Nội mở mới trong mùa tuyển sinh 2023. Trước đó, Đại học Quốc gia Hà Nội đã thông báo mở các ngành đào tạo: Cử nhân Thiết kế sáng tạo của Khoa Các khoa học liên ngành; Cử nhân Văn hóa truyền thông đa quốc gia của Trường Đại học Ngoại ngữ; Kỹ sư Công nghệ thực phẩm, sức khỏe và kỹ sư Kỹ thuật công nghệ cơ điện tử của Trường Đại học Việt Nhật.
Theo Tạp chí điện tử GDVN.
Trong danh sách đội tuyển Việt Nam dự thi Olympic quốc tế, Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên góp mặt 13 học sinh tại tất cả các đội tuyển.
Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên gặp mặt học sinh tham dự Kỳ thi chọn đội tuyển quốc gia thi Olympic khu vực và quốc tế năm 2023
Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT vừa có công văn gửi các Sở GD&ĐT và các nhà trường về việc tập huấn các đội tuyển tham dự các kỳ thi Olympic quốc tế năm 2023.
Trong tổng số 37 học sinh được triệu tập vào các đội tuyển Olympic năm nay, Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên (thuộc Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) tiếp tục đóng góp nhiều thành viên nhất với 13 học sinh, có mặt tại tất cả các đội tuyển và chiếm hơn 1/3 thành viên của các đội tuyển.
Cụ thể, tại đội tuyển Toán có 1 học sinh là Phạm Việt Hưng. Việt Hưng là người từng giành huy chương Vàng Olympic Toán quốc tế năm 2022.
Đội tuyển Vật lý có 2 học sinh là Võ Hoàng Hải và Vũ Ngô Hoàng Dương. Võ Hoàng Hải từng đạt huy chương Vàng Olympic Vật lý quốc tế năm 2022 khi mới học lớp 10. Trước đó, Hải cũng đã giành huy chương Đồng Olympia Vật lý châu Á.
Vũ Ngô Hoàng Dương từng giành huy chương Bạc Olympic Vật lý Quốc tế quốc tế phân tán IdPhO 2020, huy chương Vàng Olympic Quốc tế Zhautykov 2022, huy chương Đồng Olympic Vật lý châu Á 2022 và huy chương Vàng Olympic Vật lý Quốc tế 2022,
Đội tuyển Hóa học có 1 học sinh là Nguyễn Mạnh Khôi. Khôi là người 2 năm liên tiếp giành giải Nhất môn Hóa học tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia.
Đội tuyển Sinh học có 2 học sinh là Nguyễn Tiến Lộc và Trần Phạm Mạnh.
Đặc biệt, trong số 15 học sinh dự thi Olympic Tin học châu Á, Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên có 7 học sinh vượt qua vòng tuyển chọn với điểm số cao nhất là Nguyễn Ngọc Đăng Khoa, Nguyễn Quang Minh, Trần Xuân Bách, Hoàng Ngọc Bảo Khuê, Phạm Quốc Hùng, Phạm Công Minh, Nguyễn Tuấn Linh.
Trong số này, Trần Xuân Bách là người từng đạt huy chương Vàng Olympic Tin học quốc tế năm 2022 và huy chương Vàng Olympic Tin học châu Á năm 2022. Năm 2021, Xuân Bách cũng đã giành huy chương Đồng Olympic Tin học châu Á khi mới học lớp 10.
Tính đến thời điểm tháng 5/2023, Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên đã sở hữu 275 huy chương Olympic quốc tế và khu vực các môn Toán học, Tin học, Hóa học, Vật lý và Sinh học. Trong đó có 221 huy chương Olympic quốc tế (69 huy chương Vàng, 81 huy chương Bạc, 71 huy chương Đồng) và 54 huy chương Olympic Châu Á - Thái Bình Dương. |
Theo GD&TĐ.
ĐHQGHN vừa ban hành thông báo số 2495/TB-ĐHQGHN về Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào năm 2022 của ĐHQGHN đối với phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Theo đó, căn cứ Thông tư số 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06 tháng 6 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ban hành Quy chế tuyển sinh đại học; tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non, Công văn số 2598/BGDĐT-GDĐH ngày 20 tháng 6 năm 2022 về hướng dẫn tuyển sinh đại học năm 2022, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) thông báo ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào năm 2022 đối với phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT là 20 điểm (đã bao gồm điểm ưu tiên khu vực và đối tượng, chưa nhân hệ số).
ĐHQGHN đề nghị: Căn cứ ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của ĐHQGHN và Bộ GD&ĐT (đối với nhóm ngành sức khỏe, đào tạo giáo viên), các đơn vị đào tạo đại học thông báo điểm ngưỡng theo ngành/nhóm ngành đào tạo (tối thiểu bằng điểm ngưỡng do ĐHQGHN, Bộ GD&ĐT quy định); Báo cáo Ban Chỉ đạo tuyển sinh ĐHQGHN điểm ngưỡng của đơn vị trước ngày 31 tháng 7 năm 2022, đồng thời, công bố công khai trên trang thông tin điện tử của đơn vị, Cổng thông tin tuyển sinh của ĐHQGHN và nhập dữ liệu vào trang nghiệp vụ theo Hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.
Chi tiết thông báo số 2495/TB-ĐHQGHN
Năm 2022, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên xét tuyển đại học chính quy với các phương thức xét tuyển cơ bản tương tự như năm 2021
Trường tuyển sinh đại học chính quy 27 ngành với 3 chương trình đào tạo: Chương trình chuẩn, Chương trình chất lượng cao với học phí tương ứng với chất lượng đào tạo, chương trình tiên tiến.
Ngoài ra, Trường còn tuyển sinh các chương trình đặc biệt như: Chương trình cử nhân khoa học tài năng; Chương trình chuẩn quốc tế; Chương trình chất lượng cao với học phí ưu đãi như chương trình chuẩn ở các ngành thuộc khối Khoa học Trái đất.
Theo thống kê, năm nay có khoảng 15 phương thức tuyển sinh và tất cả các trường đều sử dụng từ 2 phương thức xét tuyển trở lên. Vậy thí sinh nên lựa chọn phương thức nào để "chắc suất" vào đại học?
Hầu hết các trường đại học hiện nay đều đa dạng hóa phương thức xét tuyển. Ảnh: Hải Nguyễn
"Mạnh về phương thức nào thì chủ động lựa chọn phương thức đó"
Chia sẻ với Lao Động, GS.TS Lê Thanh Sơn - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - cho biết, hầu hết các trường đại học hiện nay đều đa dạng hóa phương thức xét tuyển. Đó là một thuận lợi để thí sinh có thêm cơ hội trúng tuyển vào ngôi trường mà mình mơ ước.
Theo GS Sơn, việc đa dạng hóa các phương thức tuyển sinh không ảnh hưởng nhiều đến sự lựa chọn của thí sinh. Về cơ bản, phương thức xét tuyển chủ đạo của các trường vẫn dựa trên kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Theo đó, các bạn thí sinh có năng lực ở khía cạnh nào hãy mạnh dạn đăng ký xét tuyển ở khía cạnh đó.
"Ví dụ như thí sinh có sự đầu tư và đạt điểm cao ở kỳ thi tốt nghiệp THPT thì lựa chọn đó là tiền đề đăng ký nguyện vọng. Nếu thí sinh có các tiêu chí đáp ứng quy định xét tuyển thẳng của trường cũng như Bộ Giáo dục và Đào tạo thì mạnh dạn đăng ký. Nếu có thành tích nổi trội, đạt các giải thưởng hoặc có năng lực chuyên biệt (có chứng chỉ quốc tế về ngoại ngữ hoặc học vấn như SAT, A-Level) thì thí sinh có ưu thế khi đăng ký xét tuyển qua hồ sơ thành tích/ học lực.
Bên cạnh đó, việc tham gia các kỳ thi đánh giá năng lực cũng tạo thêm cơ hội trúng tuyển cho thí sinh" - GS Sơn đưa ra lời khuyên.
GS.TS Lê Thanh Sơn cũng nhấn mạnh, với cách thức xét tuyển như hiện nay, thí sinh nên đặt ngành, trường yêu thích ở nguyện vọng 1. Các nguyện vọng sau là ngành và trường vừa tầm với năng lực cá nhân để đảm bảo cơ hội trúng tuyển.
Lời khuyên dành cho thí sinh tham gia kỳ thi đánh giá năng lực
GS.TS Lê Thanh Sơn cho biết, kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội đã được tiến hành từ năm 2015 và quay trở lại vào năm 2021. Tuy nhiên, do dịch bệnh nên năm 2021 chỉ có khoảng 1000 thí sinh tham dự, năm nay có đến 70.000 thí sinh tham dự.
Theo đó, bài thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Hà Nội có sự khác biệt là đánh giá năng lực dựa trên 3 khối kiến thức: Thứ nhất là tư duy định lượng toán học; Thứ hai là tư duy định tính văn học và ngôn ngữ; Thứ ba là tư duy khoa học tự nhiên và khoa học xã hội.
Theo đó, để có thể thi tốt kỳ thi này thí sinh cần học vững kiến thức phổ thông cơ bản được trang bị từ năm lớp 10 đến lớp 12. Bên cạnh đó, có thể làm thử các bài thi mẫu để hình dung về thời gian, số câu hỏi và các nội dung kiến thức liên quan. Với thí sinh học chuẩn theo kiến thức của chương trình phổ thông sẽ làm tốt bài thi.
Theo Lao Động.
Cứ mỗi kỳ tuyển sinh đến, hàng nghìn từ khóa "hot" về ngành nghề được các học sinh tìm kiếm. Tuy nhiên, một số ngành học có vai trò quan trọng cho sự phát triển của đất nước, rất cần nguồn nhân lực chất lượng cao như địa chất, môi trường, khoa học sự sống,... lại không nhận được sự quan tâm của các thí sinh.
Theo GS.TS. Lê Thanh Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHTN, nếu chọn ngành chỉ theo xu hướng ngành hot mà không tính đến các yếu tố khác như năng lực của bản thân và nhu cầu thực tiễn của xã hội thì sẽ mang tới nhiều rủi ro về cơ hội việc làm sau khi ra trường.
Những ngày này, nhiều học sinh phổ thông quan tâm tới Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHKHTN), Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) thường xuyên gửi câu hỏi về trường đề nghị giải đáp các thắc mắc liên quan đến tuyển sinh đại học năm 2022. Nhằm giúp các em hiểu rõ về phương thức xét tuyển đại học của Nhà trường cũng như các thông tin liên quan, bộ phận truyền thông của trường đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS. Nguyễn Trung Thành, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐHKHTN.
PGS.TS. Nguyễn Trung Thành, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐHKHTN.
-Thưa thầy, năm 2022, Trường ĐHKHTN, ĐHQGHN có những phương thức xét tuyển đại học như thế nào?
PGS.TS. Nguyễn Trung Thành: Năm 2022, Trường ĐHKHTN xét tuyển đại học chính quy với các phương thức xét tuyển cơ bản tương tự như năm 2021, cụ thể như sau:
(1) Xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2022 theo tổ hợp các môn/bài thi tương ứng;
(2) Xét tuyển thí sinh có kết quả thi đánh giá năng lực (ĐGNL) học sinh THPT do ĐHQGHN tổ chức, đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của ngành/chương trình đào tạo (CTĐT);
(3) Xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển theo Quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) và Quy định đặc thù, Hướng dẫn tuyển sinh của ĐHQGHN;
(4) Xét tuyển theo phương thức khác (chứng chỉ SAT, A-LEVEL, ACT, IELTS,...).
- Nhiều học sinh và phụ huynh đang chờ đợi đề án tuyển sinh chính thức của Trường. Dự kiến khi nào Trường công bố đề án chính thức?
PGS.TS. Nguyễn Trung Thành: Đề án tuyển sinh đại học chính quy năm 2022 của Trường ĐHKHTN dự kiến sẽ được công bố trong tháng 03/2022. Thí sinh có thể theo dõi các thông tin tuyển sinh của Nhà trường tại website http://hus.vnu.edu.vn/ hoặc http://tuyensinh.hus.vnu.edu.vn/
PGS.TS. Nguyễn Trung Thành, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐHKHTN (ngoài cùng, bên phải) đang tư vấn cho các em học sinh về các ngành đào tạo của Trường ĐHKHTN.
- Thầy có thể cho biết tỉ lệ xét tuyển đối với từng phương thức tuyển sinh của Nhà trường? Đâu là phương thức xét tuyển chính?
PGS.TS. Nguyễn Trung Thành: Tổng chỉ tiêu tuyển sinh năm 2022 cho các CTĐT của Trường ĐHKHTN là 1.650. Hiện nay Trường ĐHKHTN dự kiến tỉ lệ chỉ tiêu đối với từng phương thức tuyển sinh 2022 như sau:
+ Dành khoảng 10% tổng chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển, dự bị dân tộc, sinh viên quốc tế và các phương thức xét tuyển khác như SAT, A-level, IELTS, ACT,…
+ Khoảng 15%-20% tổng chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển sử dụng kết quả thi ĐGNL của ĐHQGHN.
+ Khoảng 70%-80% chỉ tiêu còn lại dành cho phương thức xét tuyển sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022 với các tổ hợp bài thi phù hợp.
Tỷ lệ này sẽ có thể thay đổi nhỏ tùy theo từng chương trình đào tạo và phụ thuộc vào số lượng thí sinh đăng ký theo các phương thức xét tuyển khác nhau.
- Thưa thầy, nhiều thí sinh quan tâm Trường có xét tuyển học bạ không?
PGS.TS. Nguyễn Trung Thành: Trường ĐHKHTN không xét tuyển riêng bằng học bạ. Kết quả học tập trong học bạ THPT chỉ được sử dụng với một số trường hợp xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển như: học sinh đạt giải Nhất, Nhì, Ba trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương các môn Toán, Tin học, Vật lí, Hóa học, Sinh học; Địa lí; học sinh các Trường THPT thuộc ĐHQGHN. Các đối tượng này phải đạt điểm trung bình chung học tập từng kỳ trong 5 học kỳ (lớp 10, 11 và học kỳ 1 năm lớp 12) từ 8,0 trở lên. Điều này sẽ được quy định chi tiết và thông báo công khai tới thí sinh trong đề án tuyển sinh. Thí sinh có thể tham khảo đề án tuyển sinh năm 2021 trên Cổng thông tin tuyển sinh của Nhà trường.
- Với phương thức xét tuyển bằng chứng chỉ IELTS và các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế thì sao? Trường có những quy định thế nào về phương thức xét tuyển này?
PGS.TS. Nguyễn Trung Thành: Để đăng ký xét tuyển bằng chứng chỉ IELTS, thí sinh cần có kết quả từ 5.5 trở lên hoặc các chứng chỉ Tiếng Anh quốc tế tương đương (có trong danh mục theo quy định của ĐHQGHN) còn hạn sử dụng trong khoảng thời gian 02 năm kể từ ngày dự thi và có tổng điểm 2 môn thi còn lại trong tổ hợp xét tuyển đạt tối thiểu 12 điểm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 (trong đó bắt buộc phải có môn Toán).
Thầy trò khoa Vật lý trong giờ thực hành.
-Thưa thầy, với hình thức xét tuyển bằng kết quả thi ĐGNL, như năm ngoái, điểm thi ĐGNL bao nhiêu thì đủ điều kiện trúng tuyển vào Trường ĐHKHTN? Trường có tổ chức thi ĐGNL trong miền Nam không?
PGS.TS. Nguyễn Trung Thành: Về thi ĐGNL, mỗi ngành/CTĐT có điểm trúng tuyển khác nhau. Ví dụ như, năm 2021, điểm trúng tuyển vào Trường ĐHKHTN qua kết quả thi ĐGNL như sau: (1). Toán tin, Máy tính và khoa học thông tin, Khoa học dữ liệu, Kỹ thuật điện tử và tin học (100,00 điểm); (2). Toán học, Vật lý học, Khoa học vật liệu, Công nghệ kỹ thuật hạt nhân, Hoá học (90,00 điểm); (3). Hoá học (tiên tiến), Công nghệ kỹ thuật hoá học, Hoá dược, Sinh học, Công nghệ sinh học, Khoa học và công nghệ thực phẩm (85,00); (4). Các ngành/CTĐT thuộc khối khoa học trái đất (80,00 điểm). Tuy nhiên, do tình hình dịch COVID-19, số lượng thí sinh có thể dự thi và đăng ký xét tuyển bằng kết quả thi ĐGNL năm 2021 khá ít nên thông tin điểm trúng tuyển nói trên chỉ có ý nghĩa tham khảo, không có nghĩa điểm trúng tuyển năm 2022 sẽ tương tự như vậy.
Theo kế hoạch, Trung tâm Khảo thí ĐHQGHN có dự kiến tổ chức thi HSA-ĐGNL vào tháng 06/2022 tại điểm thi ở Trường Đại học Công nghệ thông tin thuộc ĐHQG thành phố Hồ Chí Minh. Thông tin chi tiết về các đợt thi ĐGNL do Trung tâm Khảo thí ĐHQGHN tổ chức; các thí sinh có thể xem tại trang http://cet.vnu.edu.vn/home/
Năm 2022, Trường ĐHKHTN dự kiến tuyển sinh 27 ngành với 1.650 chỉ tiêu cho hệ đại học chính quy.
- Những năm trước, có những trường hợp thí sinh “khóc dở mếu dở” vì đủ điểm trúng tuyển theo tổ hợp xét tuyển nhưng không đạt tiêu chí 4 điểm tiếng Anh đối với một số CTĐT chất lượng cao. Về các tiêu chí phụ trong xét tuyển, mong thầy nhấn mạnh một số lưu ý cho thí sinh.
PGS.TS. Nguyễn Trung Thành: Đúng là rất đáng tiếc khi chỉ vì tìm hiểu không kỹ mà thí sinh bị trượt ngành mình mong muốn, thậm chí trượt hết tất cả các ngành dù tổng điểm không hề tệ. Tôi mong muốn các em thí sinh trước khi đăng ký CTĐT nào, đặc biệt là các CTĐT chất lượng cao, hãy tìm hiểu thật kỹ về ngành đó: tổ hợp xét tuyển, điều kiện phụ (nếu có), điểm chuẩn các năm trước, học phí,…
Trong kỳ tuyển sinh năm 2022, tôi xin lưu ý thí sinh một số điều sau:
- Đối với các thí sinh sử dụng kết quả thi ĐGNL của ĐHQGHN năm 2022 hay được tuyển thẳng, xét tuyển thẳng, xét tuyển bằng các chứng chỉ quốc tế, đương nhiên còn phải được công nhận tốt nghiệp THPT mới đủ điều kiện trúng tuyển. Ngoài ra, đối với các CTĐT chất lượng cao theo đề án học phí tương ứng với chất lượng đào tạo (Công nghệ sinh học, Công nghệ kỹ thuật hóa học, Hóa dược, Công nghệ kỹ thuật môi trường, Máy tính và Khoa học thông tin) và CTĐT tiên tiến Hóa học, thí sinh phải đáp ứng thêm điều kiện về trình độ tiếng Anh, cụ thể:
- Đối với thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2022: có điểm thi môn tiếng Anh kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 đạt từ 4,0 trở lên (theo thang điểm 10) hoặc một trong các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế được công nhận quy đổi theo Quy chế xét tuyển;
- Đối với thí sinh đã tốt nghiệp THPT trước năm 2022: thí sinh phải có điểm trung bình chung môn tiếng Anh mỗi học kỳ trong 6 học kỳ (lớp 10, lớp 11 và lớp 12) đạt tối thiểu 7,0 trở lên hoặc một trong các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế được công nhận quy đổi theo Quy chế xét tuyển.
Ngoài ra, một số thông tin khác liên quan đến xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển,… sẽ được cung cấp chi tiết trong Đề án tuyển sinh 2022.
-Xin trân trọng cảm ơn thầy.
Về xét tuyển theo phương thức khác (SAT, A-LEVEL, ACT, IELTS,...). Thí sinh lưu ý:
+ Trường xét tuyển thí sinh có kết quả trong kỳ thi chuẩn hóa SAT (Scholastic Assessment Test, Hoa Kỳ) đạt điểm theo quy định về ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của ĐHQGHN;
+ Xét tuyển thí sinh có chứng chỉ quốc tế của Trung tâm Khảo thí ĐH Cambridge, Anh (Cambridge International Examinations A-Level, UK; gọi tắt là chứng chỉ A-Level);
+ Xét tuyển thí sinh có kết quả trong kỳ thi chuẩn hóa ACT (American College Testing) đạt điểm theo quy định về ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của ĐHQGHN;
+ Xét tuyển thí sinh có chứng chỉ Tiếng Anh IELTS từ 5.5 trở lên hoặc các chứng chỉ Tiếng Anh quốc tế tương đương kết hợp với điểm 2 môn thi còn lại trong tổ hợp xét tuyển tương ứng (bắt buộc có môn Toán).
Các em có thể tìm hiểu thông tin về từng ngành đào tạo của Trường ĐHKHTN ở website http://tuyensinh.hus.vnu.edu.vn/.
|
Tham dự hội nghị bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến có Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hoàng Hải, đại diện lãnh đạo Văn phòng, các ban chức năng, các đơn vị đào tạo của ĐHQGHN.
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo – Phó Trưởng ban chỉ đạo tuyển sinh của ĐHQGHN cho biết, năm 2021, ĐHQGHN tuyển được 12.272 thí sinh vào học tại 134 chương trình đào tạo (CTĐT) bậc đại học (đạt 109% so với chỉ tiêu đề ra), trong đó có 07 CTĐT mới mở, đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động thời kỳ chuyển đổi số. Quy mô tuyển sinh các CTĐT chất lượng cao theo đặc thù đơn vị, CTĐT chất lượng cao theo Thông tư 23/2014/TT-BGDĐT cao nhất từ trước đến nay, chiếm xấp xỉ 43% so với quy mô tuyển sinh năm 2021.
Trưởng ban Đào tạo ĐHQGHN Nguyễn Đình Đức trình bày báo cáo tổng kết công tác tuyển sinh đại học chính quy năm 2021 của ĐHQGHN
Năm qua, ĐHQGHN vẫn áp dụng các phương thức tuyển sinh ổn định như những năm trước, trong đó có kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đặc biệt năm 2021 ĐHQGHN bắt đầu tái khởi động lại phương thức xét tuyển theo kết quả kỳ thi đánh giá năng lực học sinh THPT do Trung tâm Khảo thí - ĐHQGHN tổ chức.
Phó Trưởng ban chỉ đạo tuyển sinh đánh giá, công tác tuyển sinh đại học năm vừa qua ở ĐHQGHN được triển khai theo hướng đa dạng hóa hình thức xét tuyển hướng tới các chuẩn mực quốc tế; Tăng cường tính tự chủ và trách nhiệm của đơn vị đào tạo; Chuyên nghiệp hóa công tác tuyển sinh ở ĐHQGHN; Hoàn thành mục tiêu tuyển được các sinh viên chất lượng và tăng tỉ lệ sinh viên các chương trình đào tạo chất lượng cao/quy mô tuyển sinh.
Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ Đỗ Tuấn Minh phát biểu tại hội nghị
Các đơn vị đào tạo thuộc ĐHQGHN đặc biệt chú trọng sử dụng bài thi ngoại ngữ hoặc điều kiện điểm ngoại ngữ trong kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển nhằm đảm bảo năng lực ngoại ngữ cần thiết giúp thí sinh theo học tốt các CTĐT đáp ứng chuẩn đầu ra tương ứng quốc tế. Theo số liệu thống kê của Ban Chỉ đạo tuyển sinh, điểm trúng tuyển thấp nhất đối với các ngành/CTĐT chuẩn là 18 điểm và điểm trúng tuyển cao nhất là 30 điểm. Nhiều thí sinh trúng tuyển đạt chuẩn ngoại ngữ đầu ra ngay khi nhập học. Thống kê điểm trúng tuyển của các đơn vị đào tạo theo kết quả thi tốt nghiệp THPT cho thấy, kết quả tuyển sinh đầu vào các ngành/CTĐT của ĐHQGHN hiện nay là khá tốt trong bối cảnh tuyển sinh chung của cả nước, mức điểm trúng tuyển tăng cao hơn năm 2020 phổ biến trong khoảng 2 – 5 điểm tùy từng ngành.
Năm 2021, ĐHQGHN tiếp tục ứng dụng CNTT hỗ trợ thí sinh xác nhận nhập học và triển khai phần mềm nhập học nộp hồ sơ trực tuyến. Điều này giúp thí sinh và gia đình tiết kiệm chi phí, hạn chế đi lại; đồng thời làm giảm đáng kể hồ sơ giấy tờ cho các đơn vị tuyển sinh, tránh tình trạng thất lạc hồ sơ, tiết kiệm thời gian, nhân lực và có số liệu chính xác để có thể ra phương án xét tuyển bổ sung – nếu cần.
Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục Phạm Văn Thuần
Về phương hướng tuyển sinh đại học chính quy năm 2022, Trưởng Ban Đào tạo ĐHQGHN GS.TSKH Nguyễn Đình Đức nhấn mạnh, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, về cơ bản các phương thức tuyển sinh sẽ được giữ ổn định như năm 2021, nhưng nguyên tắc đảm bảo chất lượng đầu vào tốt luôn là tiêu chí hàng đầu. Đồng thời nhằm thu hút được nhiều thí sinh giỏi, nâng cao chất lượng đầu vào tăng cường hội nhập quốc tế, ĐHQGHN sẽ mở rộng tỷ lệ xét tuyển theo kết quả bài thi ĐGNL, mở rộng quy mô tổ chức các kỳ thi ĐGNL của ĐHQGHN - dành nhiều hơn chỉ tiêu cho phương thức này để xét tuyển đại học trong năm tới.
Năm 2022, ĐHQGHN dự kiến tổ chức 16 đợt thi ĐGNL cho học sinh bậc THPT, bắt đầu từ tháng 2 -8/2022 cho khoảng 70.000 lượt thí sinh. Các trường đại học khác trên cả nước có thể tham khảo, sử dụng kết quả thi ĐGNL này để xét tuyển vào đại học năm 2022.
Đổi mới tuyển sinh theo phương thức ĐGNL ở ĐHQGHN là giải pháp mang tính đột phá và cần thiết cũng như thể hiện được vai trò tiên phong của ĐHQGHN trong việc thực hiện Nghị quyết 29 về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Kết quả thi ĐGNL đạt được mục tiêu về chất lượng, quy trình, kết quả, sự tương đồng, cân bằng độ khó/dễ theo khoa học đo lường – khảo thí hiện đại.
Dự kiến, tổng chỉ tiêu tuyển sinh đại học chính quy năm 2022 của ĐHQGHN là 12.500 chỉ tiêu. Trong đó, ĐHQGHN dành khoảng 10-15% tổng chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển theo kết quả bài thi ĐGNL, 30% chỉ tiêu cho ĐGNL đối với các ngành/CTĐT tài năng, chất lượng cao, những ngành “hot” có điểm tuyển sinh cao trên 26 điểm.
Bên cạnh đó, ĐHQGHN tiếp tục xem xét mở rộng, điều chỉnh đối tượng xét tuyển thẳng cho phù hợp: Học sinh đạt kết quả cao trong kỳ thi Olympic HSG do ĐHQGHN tổ chức; Học sinh giỏi đạt giải cấp tỉnh/thành phố; Thí sinh thuộc các trường THPT chuyên ngoài ĐHQGHN có kết quả học tập loại giỏi và kết quả thi tốt nghiệp THPT đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào theo quy định của ĐHQGHN.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến
Tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận cũng như đề xuất một số giải pháp nhằm khắc phục những điểm hạn chế trong công tác tuyển sinh đại học chính quy: xem xét khả năng công nhận trúng tuyển sớm có điều kiện theo kết quả bài thi ĐGNL; phân bổ chỉ tiêu tuyển sinh theo từng ngành/CTĐT phù hợp với điều kiện đảm bảo chất lượng và nhu cầu nhân lực của thị trường lao động; xây dựng kế hoạch học bổng hỗ trợ học tập nhằm thu hút, “giữ chân” các thí sinh tài năng; tăng cường quảng bá tuyển sinh,…
Kết luận hội nghị, Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hoàng Hải đánh giá, mặc dù phải ứng phó với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, kỳ thi tốt nghiệp THPT phải tổ chức thành 2 đợt nhưng về cơ bản, công tác tuyển sinh đại học chính quy năm 2021 ở ĐHQGHN đã thành công tốt đẹp. Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hoàng Hải yêu cầu các đơn vị đào tạo khắc phục những tồn tại, hạn chế của kỳ tuyển sinh năm 2021 để công tác tuyển sinh đại học chính quy năm 2022 đạt được kết quả cao nhất.
Phó Giám đốc ĐHQGHN yêu cầu, các đơn vị đào tạo thực hiên nghiêm túc đúng chỉ tiêu được giao; trong đó có sự cân nhắc, điều chỉnh theo hướng tăng chỉ tiêu tuyển sinh các CTĐT tài năng, chất lượng cao và các CTĐT của các đơn vị được ĐHQGHN giao nhiệm vụ đưa sinh viên lên học tập tại Hòa Lạc, đồng thời giảm chỉ tiêu tuyển sinh đối với các CTĐT còn lại.
Để có cơ sở xem xét quyết định tỷ lệ và quy mô của các phương thức tuyển sinh đầu vào cho các năm tiếp theo, Phó Giám đốc Nguyễn Hoàng Hải giao Ban Đào tạo là đầu mối đánh giá chất lượng học tập của các thí sinh trúng tuyển bằng các cách thức khác nhau ở ĐHQGHN.
Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hoàng Hải kết luận hội nghị
Đồng tình với đề xuất của Ban Chính trị và Công tác học sinh – sinh viên về giải pháp thu hút sinh viên ưu tú, tài năng, Phó Giám đốc Nguyễn Hoàng Hải giao Ban CT&CT HSSV và các phòng/bộ phận CTSV của các đơn vị đào tạo xây dựng kế hoạch, chương trình học bổng phù hợp.
ĐHQGHN giao Trường ĐH Công nghệ thí điểm xây dựng chương trình giảng dạy về công nghệ thông tin trình độ đại học dành cho học sinh khối THPT, trước mắt triển khai thí điểm tại các trường THPT thuộc ĐHQGHN, đánh giá tính khả thi để mở rộng cho các ngành đào tạo khác.
Phó Giám đốc Nguyễn Hoàng Hải cũng yêu cầu các đơn vị đào tạo cần lưu ý gia tăng các điều kiện đảm bảo chất lượng.
Theo VNU.
Hội đồng tuyển sinh sau đại học Trường Đại học Khoa học Tự nhiên trân trọng thông báo lịch vào phòng thi trực tuyến của các thí sinh thi tuyển đào tạo Thạc sĩ đợt 2 năm 2021 như sau:
- Lịch vào phòng thi của các thí sinh thi cả 2 môn Cơ bản và Cơ sở (tại đây)
- Lịch vào phòng thi của các thí sinh chỉ thi môn Cơ sở (tại đây)
Hội đồng tuyển sinh đã gửi thông báo tài khoản dự thi tới email của thí sinh đã đăng ký. Nếu chưa nhận được thông tin tài khoản, thí sinh liên hệ Phòng Đào tạo Trường ĐHKHTN-ĐHQGHN.
Địa chỉ: Phòng 404-406 T1, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, 334 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội.
ĐT: 024.35578435
Email: saudaihoc@hus.edu.vn
Nhà nước cần đưa ra các biện pháp thiết thực hơn về mức đãi ngộ như đối với sinh viên các trường sư phạm…hoặc có chương trình học bổng, miễn, giảm học phí.
Việc các thí sinh theo xu hướng lựa chọn những ngành học “hot” khiến điểm chuẩn ở một số ngành năm nay tăng đột biến, dẫn tới thực trạng nhiều em có điểm thi ở mức 26, 27 nhưng vẫn không đỗ vào trường đại học nào. Trong khi đó, nhóm ngành Khoa học tự nhiên, Khoa học sự sống… điểm chuẩn vẫn ở mức chỉ khoảng 6 điểm/ môn nhưng thí sinh lại không mấy mặn mà.
Ở nhóm ngành khoa học tự nhiên, như Khí tượng và khí hậu học, Hải dương học, Địa chất học, Địa lý học, Khoa học môi trường, Tài nguyên và môi trường nước... rất cần những chuyên gia giỏi, nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước lại rất trầy trật trong việc tuyển sinh. Đây cũng là thực trạng chung của hầu hết các trường có đào tạo nhóm ngành khoa học cơ bản, hoặc những trường đại học đơn ngành, đào tạo ngành học đặc thù.
Tiến sĩ Nguyễn Kim Cương - Phó trưởng khoa Khí tượng Thủy văn và Hải dương học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh: NVCC
Tiến sĩ Nguyễn Kim Cương - Phó trưởng khoa Khí tượng Thủy văn và Hải dương học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết:
“Vấn đề chính dẫn tới hiện tượng này là do nhận thức của xã hội chưa đúng so với tầm quan trọng của những khối ngành Khoa học cơ bản.
Hầu hết sinh viên tốt nghiệp những ngành này khi ra trường đều có việc làm ngay, nhưng có một số vấn đề như sau. Thứ nhất là thị trường lao động, ở những ngành khác thì rất nhiều doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào, nhưng với ngành Khoa học cơ bản thì tư nhân đầu tư rất ít, dẫn đến nhận thức của xã hội cũng như các bạn sinh viên không biết đến, trong khi những ngành này rất thiếu nhân lực nhưng sinh viên lại không được biết để theo học.
Tốt nghiệp những ngành này khi ra trường hầu hết làm việc trong các cơ quan nhà nước, nhưng mức thu nhập hàng tháng chưa mang tính cạnh tranh so với các ngành khác như kinh tế và công nghệ, chính vì thế sức thu hút không cao. Thứ hai, nếu để có vị trí và chỗ đứng tốt trong ngành thì sinh viên phải theo học lên cao nữa, thời gian học lâu hơn những ngành khác nên sinh viên không đủ tự tin để theo học.
Những sinh viên tốt nghiệp ngành này loại khá, giỏi thì cơ hội đi nước ngoài du học hoặc làm việc rất dễ, rất rộng mở. Một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Châu Âu, Châu Mỹ… họ cũng rất cần nguồn nhân lực ở những ngành này, họ sẵn sàng tuyển sinh và cung cấp mức học bổng cao”.
Theo Tiến sĩ Cương: “Khoa học cơ bản là những ngành khoa học nghiên cứu, khám phá các quy luật của tự nhiên và tạo ra các kiến thức mới. Các kết quả của khoa học cơ bản là tiền đề cho sự phát triển công nghệ và nghiên cứu ứng dụng. Đó chính là nòng cốt của sự phát triển bền vững của đất nước.
Hiện tại, một số trường đại học đang đào tạo các ngành Khoa học cơ bản gồm những ngành truyền thống như: Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học cùng các ngành trong khối Khoa học Trái Đất như: Địa lí, Địa chất, Môi trường, Khí tượng và khí hậu học, Tài nguyên và Môi trường nước và Hải dương học.
Một nghịch lí ở nước ta hiện nay là những học sinh giỏi lại không thích thi vào các khối ngành nòng cốt cho sự phát triển bền vững đất nước như: sư phạm, luật, khoa học cơ bản, mà lại thích chọn vào trường kinh tế, công nghệ hay trường quân sự, nhìn ở góc độ nào đó thấy rất mất cân đối.
Ví dụ khoa học trái đất là ngành rất quan trọng, nó ảnh hưởng hàng ngày đến sự an toàn chất lượng cuộc sống của người dân, cũng như sự phát triển kinh tế, an ninh - quốc phòng của đất nước. Các hiểm họa thiên tai, bão lũ, động đất… cũng có thể là thảm họa dịch bệnh nếu xảy ra mà không có hiểu biết để cảnh báo sớm. Nếu những ngành khoa học trái đất bị bỏ ngỏ thì sự đối mặt của con người với tự nhiên sẽ là một khoảng trống, đơn giản có thể hiểu là không có ai “canh gác” cho sự sống của chúng ta.
Trong tương lai, nếu tất cả sinh viên giỏi, sinh viên không muốn vào học khoa học cơ bản sẽ dẫn tới đất nước thiếu trầm trọng nguồn nhân lực kế cận, những thế hệ nghiên cứu hiện nay sẽ già đi không có ai thay thế, đó sẽ là một sự nguy hiểm cho đất nước”.
Thực tế hiện nay, mỗi năm một số nhà trường có đào tạo ngành này chỉ tuyển được trên dưới 20 sinh viên theo học, đây cũng là một vấn đề nan giải trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước trong tương lai, về vấn đề này Tiến sĩ Cương nói:
“Thực ra, với con số 20-30 sinh viên/ngành hàng năm cũng không phải là ít bởi thị trường lao động của những ngành này chưa thực sự rộng mở. Với 30 sinh viên ra trường hàng năm thì sẽ đảm bảo được công việc cho các em.
Nhưng theo tôi chất lượng đào tạo phải được nâng lên, và con số 30 sinh viên này cũng phải đảm bảo bởi có năm không tuyển được 20 sinh viên cho một ngành. Theo ước tính, hàng năm có khoảng 10-20% các sinh viên theo học ngành này có đủ đam mê, có khả năng ngoại ngữ tốt thường nắm bắt cơ hội ra nước ngoài học lên thạc sĩ, tiến sĩ, một phần lớn làm việc trong các cơ quan nhà nước. Phần còn lại có thể làm việc tại một số công ty nước ngoài theo chuyên ngành đã được đào tạo, hoặc chuyển ngành khác tùy theo mức đãi ngộ”.
Giới thiệu cho học sinh trung học phổ thông hiểu về các ngành khoa học cơ bản. Ảnh: NVCC.
Để có thế hệ kế cận chất lượng cho những ngành này
Tiến sĩ Cương chia sẻ: “Trong bối cảnh biến đổi khí hậu với nhiều hiểm họa thiên tai như hiện nay, việc nghiên cứu quy luật, cảnh báo sớm và đề xuất các biện pháp giảm thiểu rủi ro, thiệt hại là hết sức cần thiết. Nếu không có nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng được các yêu cầu dự báo và cảnh báo sớm, thì thiệt hại về người và của do thiên tai gây ra sẽ như thế nào?
Theo tôi ở tầm quốc gia, nhà nước cần đưa các biện pháp thiết thực hơn, có thể là về mức đãi ngộ như đối với sinh viên các trường công an, quân đội, sư phạm…hoặc có chương trình học bổng, miễn, giảm học phí. Ngoài ra các nhà nghiên cứu các ngành khoa học cơ bản cũng cần có chính sách đãi ngộ phù hợp hơn, quy hoạch và sắp xếp công việc khi sinh viên ra trường, hoặc đào tạo theo các chương trình cử tuyển… để làm sao thu hút được nhiều sinh viên theo học.
Trên nhiều phương tiện truyền thông ít khi có những chương trình nói riêng về các nhà khoa học cơ bản, cũng như các nghiên cứu khoa học khiến cho xã hội thường có suy nghĩ về hình ảnh của một nhà khoa học sẽ chậm chạp, mái tóc rối bời, đeo kính cận, ít cập nhật xu thế cuộc sống… nhưng trong thực tế các nhà nghiên cứu đều rất năng động và hiện đại. Vậy nên rất cần đẩy mạnh hơn nữa về quảng bá, truyền thông, còn nếu cứ để mọi người có định kiến như vậy thì không ai hướng cho con mình theo học ngành này, sinh viên không có niềm tin về tương lai của ngành, điều đó thực sự nguy hại cho đất nước”.
Tiến sĩ Cương chia sẻ thêm: “Nói đến ngành khí tượng thủy văn là mọi người chỉ nghĩ đến dự báo thời tiết, nhưng thực ra không chỉ có vậy. Công tác dự báo thời tiết chỉ là một mảng nhỏ của ngành.
Bên cạnh đó còn có rất nhiều nghiên cứu, ứng dụng như dự báo thời tiết cho việc điều hành bay ở ngành hàng không, cho đầu tư kinh doanh hàng hóa, bước quyết định cho việc kí kết hợp đồng kinh tế may mặc bởi cần nắm được thời tiết cuối năm thế nào, cho du lịch và các dịch vụ như lặn biển, lướt sóng, dự báo hạn hạn và tưới tiêu cho cà phê, nông lâm nghiệp, nuôi trồng thủy-hải sản hay vận hành các công trình thủy điện… Có thể nói “sân chơi” này rộng hơn rất nhiều.
Hầu hết các sinh viên khoa học cơ bản hiện nay ra trường với trình độ đại học đều có việc làm ngay tại các cơ quan về khí tượng, tham gia điều hành bay tại các sân bay, và các công ty tư nhân dự báo về kinh tế… với mức lương khá tốt”.
Theo Giáo dục Việt Nam
Nhằm cung cấp các thông tin về chương trình đào tạo (CTĐT), lịch trình đào tạo đồng thời hỗ trợ tư vấn, giải đáp các băn khoăn cho sinh viên, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên tổ chức gặp mặt sinh viên khóa QH.2021.T (K66) trúng tuyển vào các CTĐT đặc biệt năm 2021, kế hoạch như sau:
1. Gặp mặt sinh viên khóa QH.2021.T trúng tuyển các CTĐT tài năng, chuẩn quốc tế, chất lượng cao (hỗ trợ kinh phí, học phí như sinh viên đại học các CTĐT chuẩn)
- Thời gian: từ 18h00 thứ Năm, ngày 30 tháng 9 năm 2021
- Hình thức: trực tuyến qua nền tảng Join Zoom Meeting
https://zoom.us/j/91858684283?pwd=bXloN29PcTBmRkd2UWpuYUlLa3EyQT09
Meeting ID: 918 5868 4283; Passcode: 467226
- Thành phần:
+ Ban Giám hiệu; đại diện lãnh đạo, trợ lý đào tạo các CTĐT đặc biệt, trợ lý công tác sih viên các khoa: Toán-Cơ-Tin học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Môi trường, Địa chất, Khí tượng Thủy văn và Hải dương học; đại diện Ban Điều hành hệ Cử nhân KHTN; lãnh đạo phòng Đào tạo, phòng Chính trị và Công tác sinh viên; đại diện lãnh đạo phòng Quản trị-Bảo vệ, phòng Hợp tác và phát triển; đại diện Đoàn Thanh niên Trường; Giáo viên chủ nhiệm và Cố vấn học tập của các lớp tài năng; chuẩn quốc tế; chất lượng cao.
+ 142 sinh viên K66 vừa trúng tuyển vào CTĐT tài năng các ngành: Toán học, Vật lý học, Hóa học, Sinh học; CTĐT chuẩn quốc tế các ngành: Vật lý học, Sinh học; CTĐT chất lượng cao các ngành: Khoa học môi trường, Địa chất học, Khí tượng và khí hậu học, Hải dương học.
2. Gặp mặt sinh viên khoá QH.2021.T trúng tuyển các CTĐT tiên tiến, chất lượng cao (theo đề án với học phí tương ứng với chất lượng đào tạo) của Khoa Hóa học và Khoa Môi trường
- Thời gian: từ 18h00 thứ Sáu, ngày 01 tháng 10 năm 2021
- Hình thức: trực tuyến qua nền tảng Join Zoom Meeting
https://zoom.us/j/94607461011?pwd=Z1VSMy9rdnRPVUpxOHVSY2V5Yk45QT09
Meeting ID: 946 0746 1011; Passcode: 783779
- Thành phần:
+ Ban Giám hiệu; đại điện lãnh đạo, trợ lý đào tạo các chương trình đặc biệt, trợ lý công tác sinh viên các khoa: Hóa học và Môi trường; lãnh đạo phòng Đào tạo, phòng Chính trị và Công tác sinh viên; đại diện lãnh đạo phòng Quản trị-Bảo vệ, phòng Hợp tác và phát triển; đại diện Đoàn Thanh niên Trường; Giáo viên chủ nhiệm và Cố vấn học tập của các lớp tiên tiến; chất lượng cao (theo đề án với học phí tương ứng với chất lượng đào tạo).
+ 287 sinh viên K66 vừa trúng tuyển vào CTĐT tiên tiến ngành Hóa học; CTĐT chất lượng cao (theo đề án với học phí tương ứng với chất lượng đào tạo) các ngành: Công nghệ kỹ thuật hóa học, Hóa dược và Công nghệ kĩ thuật môi trường.
3. Gặp mặt sinh viên khoá QH.2021.T trúng tuyển CTĐT chất lượng cao (theo đề án với học phí tương ứng với chất lượng đào tạo của Khoa Toán - Cơ - Tin học, Khoa Sinh học và Trường Đại học Y Dược
- Thời gian: từ 14h00 thứ Bảy, ngày 02 tháng 10 năm 2021
- Hình thức: trực tuyến qua nền tảng Join Zoom Meeting
https://zoom.us/j/96953518048?pwd=S2RER1c3bFhadlZZUmNOb01XRTlHZz09
Meeting ID: 969 5351 8048; Passcode: 605374
- Thành phần:
+ Ban Giám hiệu; đại điện lãnh đạo, trợ lý đào tạo các chương trình đặc biệt, trợ lý công tác sinh viên các khoa: Toán-Cơ-Tin học, Sinh học, Trường Đại học Y Dược; lãnh đạo phòng Đào tạo, phòng Chính trị và Công tác sinh viên; đại diện lãnh đạo phòng Quản trị-Bảo vệ, phòng Hợp tác và phát triển; đại diện Đoàn Thanh niên Trường; Giáo viên chủ nhiệm và Cố vấn học tập của các lớp chất lượng cao (theo đề án với học phí tương ứng với chất lượng đào tạo) .
+ 264 sinh viên K66 vừa trúng tuyển vào CTĐT chất lượng cao (theo đề án với học phí tương ứng với chất lượng đào tạo) các ngành: Máy tính và khoa học thông tin, Công nghệ sinh học, Răng - Hàm - Mặt